1.2. Lý luận khám dư thời Tần Hán.
Trải qua khoảng trên một ngàn năm lịch sử, thuật “Tướng Trạch” tới đời Hán là tập đại thành, các phái hệ lý luận của phép xem tướng nhà (tức thuật Tướng Trạch) được hoàn chỉnh và thành thục. Có thể nói, môn Phong Thủy mà chúng ta biết được ngày nay chính là hình thành trên mô thức thuật “Tướng Trạch” đời Hán. Thuật “Tướng Trạch” đời Hán chủ yếu của có 4 đặc điểm như sau:
1- Thuật “Tướng Trạch” đời Hán bắt đầu có lý luận “Kham Dư” tức lý luận thời gian và không gian đối ứng tương đối hoàn bị; trong đó thuật chọn ngày (tức thuật Trạch Cát) và phép xem tướng đất (tức thuật Tướng Địa) được kết hợp hữu cơ trong một môn học thuyết, cổ nhân gọi học thuyết này là “Thiên Địa lý luận” (Lý lẽ của Trời Đất).
2- Trong lý luận này, người xưa đã đặt ra các phép tắc cụ thể cho một môn học mà người đời Hán gọi là “Đồ Trạch thuật”. Do lý luận “Khám Dư” là một lý luận kết hợp giữa phép chọn ngày giờ và phép xem tướng đất, cho nên “Đồ Trạch thuật” là đại biểu cho một hệ phái thuật Tướng Trạch đời Hán, chuyên chiêm nghiệm phương vị triều hướng khởi đầu cho phái Lý Khí sau này.
3- Tới đời Hán, thuật xem hình tướng đất cổ xưa trước đây dùng để chiêm về nhà ở cũng đã hình thành được các phép tắc chuyên môn. Đây là lý luận “Hình Pháp” chuyên bàn về hình thế bên ngoài, khởi đầu cho phái Loan Đầu sau này. Lý luận về “Hình Pháp” cùng với “Đồ Trạch thuật” thành hai tông phái tồn tại song hành.
4- Cả hai tông phái trên đều vận dụng thuyết Âm Dương Ngũ Hành. Đây là nội dung của thuật Tướng Trạch đời Hán, và cũng là nội dung đặc trưng chủ yếu của môn Phong Thủy trong truyền thống văn hóa Trung Quốc. Nhiều học giả phải công nhận rằng, thuật Tướng Trạch đời Hán chiếm một địa vị quan trọng trong lịch sứ hình thành thuật Phong Thủy, đồng thời bắt đầu xuất hiện một số dụng ngữ chuyên môn.
Đời Hán, lý luận “Kham Dư” và lý luận “Hình Pháp” đã thành thục, nhưng những lý luận và phép tắc này phần lớn chỉ ứng dụng vào việc chọn và xây dựng nhà ở, ít ứng dụng vào việc xây dựng mộ phần. Ngay cả các thư tịch xuất hiện trong thời kỳ này chủ yếu cũng chỉ đề cập về Dương Trạch (tức nhà ở).