Cự Môn tương phối Lục Cát – Lục Sát
Như đã phân tích ở các phần trước về tính lý của Cự môn. Đành rằng là có các cách cục khác nhau, nhưng sâu hơn chút nữa, thì ta có thể thấy rằng các cách của Cự môn đều chịu ảnh hưởng rất nhiều của các tá diệu. Cho nên, xem xét việc Cự môn tương phối với các tá diệu cũng là một kỹ thuật cơ bản để luận đoán các cách cục của Cự Môn.
Cũng theo nguyên tắc thông thường của Tử vi, các cách cục của Cự Môn tập trung tính chất ở hai đặc điểm chính : sự Miếu Hãm của chính tinh và Hội hợp của tá tinh – hóa diệu.
Việc miếu hãm thì chắc không phải bàn nữa, bởi nó đã thể hiện trong cách cục của Cự Môn rồi. Còn sự hội hợp của tá tinh, hóa diệu thì cũng theo một nguyên tắc chung là “phùng cát dã cát, phùng hung dã hung”. Gặp được sao tốt thì là tốt, mà gặp được sao hung thì là hung. Có thể phân tích các trường hợp cụ thể như sau :
Hóa diệu : Hóa diệu là Lộc-Quyền-Khoa-Kỵ, Cự môn rất cần Lộc Quyền Khoa hội hợp để thành cách. Nhưng lại rất ngại Hóa Kỵ che ám (trừ một vài trường hợp đặc biệt được gọi là Phản vi kỳ cách).
Chẳng thế mà các câu phú đều tập trung vào việc xem xét sự hội hợp của Hóa diệu với Cự Môn, điển hình như“Cự môn Thìn Tuất vi hãm địa, Tân nhân hóa cát lộc tranh vanh” – tức là Cự Môn ở Thìn-Tuất vốn là đất hãm sẽ không tốt, nhưng người tuổi Tân thì gặp được Cát Hóa, tài lộc sẽ rất khá.
Như đã dẫn, ngay như cách Thạch Trung Ẩn Ngọc, khi Cự phối với các tá diệu, hóa diệu thì :
- Gặp Quyền (hoặc) Lộc là Thượng cách
- Gặp Lộc tồn là Thứ cách.
- Không có Lộc tồn, chẳng có Hóa cát là tầm thường.
Các sao, các hóa đặc biệt thích hợp với Cự môn là Hóa Lộc, Hóa Quyền, Lộc Tồn. Cổ thư viết : “Nhược đắc lộc tồn đồng độ, tắc phúc hậu lộc trọng, đãn tính tình kiệm phác nhi cẩn thận, chủ phú. Như hóa quyền, hóa lộc, tắc phách lực cực đại, thiện sang nghiệp, chủ quý” nghĩa là : Nếu được Lộc tồn đồng độ, thì phúc dày lộc trọng, nhưng tính tình thì cần kiệm cẩn thận, chủ về giầu sang. Còn như Hóa Quyền, Hóa Lộc, thì tính quyết đoán rất lớn, dễ gây dựng thành cơ nghiệp.
Đặc biệt là cách Cự Môn Tý Ngọ rất cần Quyền, Lộc. Chẳng thế mà Ngọc Thiềm tiên sinh đã nói “Cự môn Tý Ngọ nhị cung phùng, cục trung đắc ngộ dĩ vi vinh, tam hợp hóa cát khoa quyền lộc, quan cao cực phẩm y tử bào.” Nghĩa là Gặp Cự môn ở hai cung Tý-Ngọ, được cục này là vinh hiển, nếu lại được Hóa Cát trong tam hợp hội về, thì có thể làm quan rất cao, mặc áo tía trong triều đình.
Cự Môn với Lục Cát (Tả Hữu Xương Khúc Khôi Việt) :
Với lục cát tinh, đương nhiên là nhóm của những sao phò trợ rất đắc lực để hỗ trợ thành cách. Nhưng trong đó, Cự môn đặc biệt thích hợp với Tả Hữu hơn. Cự được tả hữu hội hợp, dễ làm nên cơ nghiệp. Tả hữu trợ giúp cho Cự môn đắc dụng nhất là khi phối hợp được với Lộc tồn, người tuổi Quý được cách này sẽ phần nhiều là quý hiển.
Còn đối với Khôi Việt, ngoài ý nghĩa của Quý Nhân ra, thì Khôi Việt không có sự phụ giúp nào đặc biệt cho Cự Môn cả. Bởi lẽ, Cự môn dù sao cũng có tính tài khí mạnh, mà Khôi Việt thì chủ quý nhiều hơn, nên tác dụng không rõ rệt lắm. Khôi Việt trợ giúp đắc lực nhất cho Cự Môn khi Cự đóng ở cung Mão-Dậu. Trong trường hợp này thì vì có Thiên Cơ đi cung với Cự, nên rất thích hợp với Khôi Việt, chủ về Quý, dễ thành đạt trong quan trường.
Đối với Văn Xương, Văn Khúc, thì gần như là không hợp với Cự, bởi lẽ Cự vốn là hung tinh, chủ về thị phi, không hợp với văn tinh. Nếu lại gia thêm Hóa Kỵ nữa thì càng không hợp. Duy chỉ có một trường hợp Cự Môn cư Thìn, nếu gặp Xương Khúc, Hóa Quyền hoặc Hóa Lộc thì lại là Kỳ cách! Phản hung vi cát.
Cách này vốn dĩ nếu xét theo cách bình thường thì không có gì tốt đẹp cả. Cổ nhân đã nói “Thìn Tuất ứng hiềm hãm Cự Môn” – Hai cung Thìn-Tuất ngại nhất là gặp Cự Môn hãm! Tại vị trí này Cự Môn là đất hãm, đối cung là Thiên đồng cũng Hãm. Xét Tam phương hội hợp thì có 2 trường hợp : Cự môn cư Thìn thì sẽ có Thái Dương hãm hội chiếu, Cự Môn cư Tuất thì sẽ có Thái Dương miếu hội chiếu. Mấu chốt vấn đề chính ở chỗ này.
Đối với Cự Môn cư Tuất, Vương Đình Chi viết : “Cự môn tại Tuất cung, Hóa quyền hoặc Hóa lộc giả, nãi kỳ cách, nhân vi Thái dương tại Ngọ cung, thị Nhật lệ trung thiên, hội chiếu Cự môn, tắc âm ám chi khí tiêu tẫn hĩ.” – Khi Cự môn đóng ở Tuất gặp Hóa Quyền, Hóa Lộc thì là Kỳ cách, nguyên do Thái dương đóng ở Ngọ, nhập miếu là “Nhật lệ trung thiên” sẽ làm tiêu tan cái ám khí của Cự.
Đối với Cự Môn tại Thìn cung, Vương viết : “Tại Thìn cung, hữu nhất cá trọng yếu cách cục: cự môn dữ Văn xương đồng độ, Tân niên sinh nhân chủ phú quý vô luân. (phường bản chích ngôn cự môn tại thần tuất, “Tân sinh nhân mệnh ngộ phản vi kỳ” , thiểu liễu Văn xương đồng độ giá cá điều kiện) tại Tuất cung kiến cát Hóa diệc vi kỳ cách.” – Tại cung Thìn có một cách cục trọng yếu của Cự Môn, đó là Cự Môn Văn Xương đồng độ, người tuổi Tân chủ phú quý không kể hết (phường bản* chỉ nói Cự Môn tại Thìn Tuất “Người tuổi Tân mà mệnh gặp được thì lại lại là kỳ cách”, mà thiếu mất điều kiện Văn xương đồng độ). Tại cung Tuất mà gặp Hóa Cát cũng là kỳ cách.
* Sách ngày trước chia làm 2 loại, Kinh bản và Phường bản. Kinh bản là sách chính gốc, còn Phường bản là các sách bản sao của các địa phương khác nhau.
Như vậy, tổng kết lại sẽ có các trường hợp gọi là “kỳ cách” như sau :
- Cự Môn cư Thìn, có Văn xương đồng độ, người tuổi Tân thì đắc cách
- Cự môn cư Tuất, có Quyền Lộc hội hợp, người tuổi Tân hợp cách.
Chú ý rằng, điều kiện để có được kỳ cách phải rất chặt chẽ, không được sơ hở, ngoài những điều kiện kể trên, thì bản cung phải sáng sủa, tránh xa Tuần triệt, sát tinh, tam phương tứ chính cần phải có văn tinh, quý tinh trợ thủ thì mới thành cách xác đáng được.
Ngoài ra, như trên đã viết rõ, Cự môn cũng rất cần Lộc tồn để hóa giải mà thành cách, Đẩu số toàn thư viết“Phùng lộc tồn tắc giải kì ách” – Gặp Lộc tồn thì có thể hóa giải tai ách cho Cự môn. Nhưng đặc biệt chú ý, trường hợp Cự môn cư Mão, người tuổi Giáp thì sẽ bị Kình Dương đồng cung, lại là hung cách. (phần phân tích lục sát xem ở phần sau).