Bài của Ân Quang
– “Vì Tử Vi bị thất truyền, tam sao thất bản”
Đó là một câu trả lời buông xuôi, không rọi được một tia sáng nào, không đưa ra được một quan niệm nào làm sáng tỏ vấn đề.
– “Tôi không dám bàn đến cách an sao trong các sách khác, chỉ biết rằng theo sách gia truyền và kinh nghiệm của tôi, thì cách này đúng nhất”
Đó lại là một câu trả lời chủ quan, tự mãn, không cần nghiên cứu thêm và cũng chẳng đưa ra một quan niệm nào làm sáng tỏ vấn đề.
Không riêng gì cách an bộ sao Tứ Hóa (Lộc, Quyền, Khoa, Kỵ), không riêng gì cách tính vị trí đắc địa, hãm địa của các sao, mới có lắm cách trình bày khác nhau.
Trong nhiều lá số bằng chữ Hán, lập thành bởi các cụ thuộc nhiều thế hệ trước, mà chúng tôi có dịp sưu tầm được, còn thấy có thêm một số Thần Sát dùng trong quẻ Dịch như là Quán Sách (thông suốt, nứt ra), Hồng Diễm (chủ cực dâm). Lại có lắm lá số an sao Thiên Đức đồng cung với Thiên Hư, Nguyệt Đức đồng cung với Hồng Loan, đó là theo phép tính cách Thần Sát trong quẻ Dịch. Một số lớn các sao trong Tử Vi là những Thần Sát được dùng trong môn Bốc Dịch từ trước khi có Tử Vi.
Chúng tôi cũng đã gặp trong một số lá Tử Vi trước kia, và mới đây trong một cuốn sách Tử Vi từ Đài Loan đã không an vòng sao Thái Tuế, Thiên Không, Tang Môn… mà lại an vòng Tướng Tinh, Phan Yên, Tuế Dịch, Tức Thần, Hoa Cái, Kiếp Sát, Tai Sát, Thiên Sát, Chỉ Bối, Hàm Trì, Nguyệt Sát, Vong Thần. Tuổi Thân, Tý, Thìn khởi Tướng Tinh tại Tý; Dần, Ngọ, Tuất khởi Tướng Tinh tại Ngọ; Tỵ, Dậu, Sửu khởi Tướng Tinh tại Dậu và Hợi, Mão, Mùi thì Tướng Tinh tại Mão, cứ thế đi xuôi 12 cung. Dù là vong Thái Tuế hay vòng Tướng Tinh thì cũng là những Thần Sát đã có từ trước trong Bốc Dịch.
Lại còn lắm cách tính Lưu Nguyệt, Lưu Nhật khác nhau.
Có lắm cách tính khác nhau như vậy thì cách nào là đúng? Loạn Tử Vi hay sao?
Chúng ta không thể vội vã đưa ra một câu trả lời buông xuôi, hoặc một câu trả lời chủ quan: Sách của tôi đúng nhất!
Chúng ta cần bình tâm, kiên nhẫn, tìm hiểu, phân tích qua từng giai đoạn để, nếu không đi đến một giải quyết trọn vẹn, thì cũng có một quan niệm giải tỏa mọi thắc mắc về vấn đề này.
– Xin lấy Khoa Học ngày nay làm thí dụ dẫn chứng.
Mỹ và Nga cùng chạy đua trong việc thám hiểm, chinh phục không gian. Cùng thời điểm từ những định lý căn bản về Toán học, Vật lý, nhưng chương trình hành động có khác nhau, nước này chủ trương phòng một hỏa tiễn thật to vào không gian, nước kia lại chủ trương làm một trạm không gian quay xung quanh quả đất trước đã. Những hỏa tiễn, những phi thuyền cũng được chế tạo khác nhau. Những thành quả mà Mỹ, Nga đã đạt được, thật to lớn với nhân loại hiện nay. Nhưng, trước vũ trụ bao la, trước không gian vô tận thì những thành quả ấy cũng chưa thấm vào đâu. Cả Nga lẫn Mỹ đã có ai đi đến tuyệt đích của sự khám phá vũ trụ? Mặc dù là trong từng giai đoạn, có lúc quốc gia này thành công hơn quốc gia kia, nhưng trong đại cuộc thì đã có ai đi đến tuyệt đích của việc thám hiểm không gian đâu?
Vì vậy, chúng ta không thể vội dừng chân nhìn vào một vài thành quả giai đoạn, rồi vội vã phê phán rằng chương trình của quốc gia này, hỏa tiễn nọ, phi thuyền kia, là hoàn hảo, có thể đưa con người đến tuyệt đích của việc thám hiểm không gian. Nguyên lý căn bản vẫn giống nhau, nhưng giải pháp có khác nhau. Nào có ai đã đến tuyệt đích để biết giải pháp nào hay hơn.
– Quay về với Tử Vi.
Tử Vi có từ đời nhà Tống.
Triệu Khuông Dẫn xưng Hoàng Đế và đặt tên nước là Tống. Vào năm 950 sau Tây Lịch. Trần Đoàn đánh cờ với Triệu Khuông Dẫn, lúc Triệu Khuông Dẫn chưa xưng Hoàng Đế. Do đó, có thể luận là Tử Vi có trước đây hơn 1930 năm.
Hàng ngàn năm trước khi Tử Vi ra đời, đã có những khoa bói toán để luận sự cát hung của thời vận.
Về đời Ân, 1388 năm trước Tây Lịch, người Trung Hoa đã dùng mai rùa, xương thú, que gỗ để bồi cát hung. Qua đời nhà Chu, 1134 năm trước Tây Lịch, thì việc Bói Dịch đã được ghi rõ vào sách vở.
Những khoa bói toán của Trung Hoa xưa kia đều dựa trên những nguyên lý Âm Dương, Ngũ Hành, Bát Quái, Can Chi…
Những khoa bói toán, luận đoán thời vận, số mệnh càng ngày càng được bổ túc, và ngày giờ sinh xưa nhất, lâu đời nhất được ghi lại là giờ sinh của Đức Khổng Tử, Khổng Tử sinh khoảng 551 năm trước Tây Lịch, rồi đến ngày giờ sinh của Nhan Hồi.
Những ngày giờ sinh ấy được ghi lại tỷ mỷ, chắc không nhằm một mục đích duy nhất là kỷ niệm sinh nhật, mà còn có nhiều mục đích khác.
Tuy nhiên phải qua đến đời nhà Hán, 206 năm trước Tây lịch, mới thấy ghi lại ngày giờ sinh của nhiều nhân vật như Trương Lương, Hàn Tín, Tiêu Hà, Hạng Vũ, Lã Hậu, Quang Vũ, Giả Nghị, Chu Bột, v.v…
Nếu nho học bị nhà Tần diệt, thì qua đời nhà Hán lại trở nên thịnh. Nho Y và Lý Số là hai trọng điểm của nền nho học xưa kia. Nho Y là cái học thuộc về nhân sinh và Lý Số là cái học thuộc về vũ trụ.
Lý Số là một khía cạnh của Nho học, mà Nho học đã thịnh vào đời nhà Hán thì Lý Số cũng thịnh vào đời nhà Hán vậy.
Nhà hán bắt đầu năm 206 trước Tây Lịch, tức là trước Trần Đoàn 1156 năm.
Đến đây, chúng ta thấy rằng Trần Đoàn không phải là cá nhân độc nhất phát minh ra khoa Tử Vi.
Trần Đoàn là người có công nhiều trong việc lập ra khoa Tử Vi, chứ không phải Trần Đoàn “sáng tạo” ra Tử Vi. Chúng ta phải rời bỏ cái tập quán suy tôn cá nhân, để óc thể có một cái nhìn khoa học hơn vào vấn đề. Chúng ta không thể quan niệm một Trần Đoàn tiên ông, sau nhiều năm tu luyện, đến một phút đắc đạo nào đó bỗng đứng dậy, vươn vai, vuốt râu một cái rồi … lập ra khoa Tử Vi (từ không bỗng nhiên “sáng tạo” thành có).
Trước Trần Đoàn đã có nhiều học giả nghiên cứu Lý Số, sau Trần Đoàn cũng còn nhiều học giả nghiên cứu, bổ túc cho Tử Vi. Tiếc rằng chỉ vì tập quán suy tôn cá nhân mà tên tuổi các học giả về sau, bổ túc cho Tử Vi, lại không được nhắc đến như Huỳnh Kim Dã Hạc, Ma Thị, Thiện Can Tử, v.v…
– Chỉ vì hiểu lầm rằng có độc nhất cá nhân Trần Đoàn “sáng tạo” ra Tử Vi, cho nên, khi gặp những cách an sao, cách tính khác nhau, nhiều người đã vội vã có thái độ trả lời buông xuôi cho rằng “Tử Vi bị thất truyền tam sao thất bản” hoặc là lại có một thái độ trả lời chủ quan, tự mãn “Tôi không dám bàn đến cách an sao trong các sách khác, chỉ biết rằng theo cách gia truyền và kinh nghiệm của tôi, thì cách này đúng nhất”.
– Tử vi cũng như những khoa học khác của Trung Hoa, luận về số mệnh đều đặt trên những nguyên lý căn bản về Âm Dương, Can Chi, Ngũ Hành, Bát Quái, trên sự vận chuyển và ảnh hưởng của các thiên thể trong vũ trụ. Những nguyên lý căn bản vẫn giống nhau, nhưng có nhiều học giả nghiên cứu, có nhiều phương pháp chi tiết khác nhau. Chưa ai đạt đến cái nguồn gốc sâu xa của vũ trụ, cũng chưa ai vén hết màn bí mật từng tiểu tiết của vận số mỗi người, cho nên chugns ta không thể vội chủ quan đề cao sách gia truyền này đúng nhất cách tính kia đạt đến tuyệt đích.
Dù rằng Tử Vi hay Tử Bình, hay tính bằng cách gì chăng nữa, đã có khoa học nào tính ra sự sai thiệt về vận số của những người có cùng một ngày giờ sinh. Khi chưa luận được sự sai biệt về vận số của những người có cùng ngày giờ sinh, thì chúng ta không thể vội đề cao rằng khoa học này, cách tính này đã đến tuyệt đích.
Cũng như trong Khoa học ngày nay, đã có ai đi đến tuyệt đích của sự thám hiểm không gian để có thể phê phán về chương trình không gian của Mỹ và của Nga, chương trình nào hay hơn. Những nguyên tắc căn bản về Toán học, Vật lý vẫn giống nhau, nhưng chỉ tiếc chương trình có khác nhau. Nào có phải là vì loạn Toán học, loạn Vật lý mà có những chương trình không gian khác nhau. Chúng ta cần bình tâm chiêm nghiệm, thành công được đến đâu thì biết đến đó. Không vì một sự thành công giai đoạn mà đi đến chủ quan.
Trở về với Tử Vi, những nguyên lý Âm Dương, Can Chi, Ngũ Hành, Bát Quái, quan niệm căn bản về các vị sao vẫn giống nhau, thí dụ như không có học giả Tử Vi nào luận rằng Địa Kiếp là thiện tinh. Nhưng từ đời nhà Ân, đến đời nhà Tống và nhiều đời sau đó, trải qua hàng ngàn năm, đã có nhiều học giả, nhiều vị tu luyện, tìm ra những chi tiết, bổ túc cho Lý Số. Nguyên lý căn bản vẫn giống nhau, nhưng giải pháp, chi tiết có khác nhau, chứ nào có phải vì loạn Tử Vi, hay vì bị thất truyền mà có nhiều cách tính, nhiều cách an sao, tính thêm các Thần Sát khác nhau. Mỗi học giả đều có kinh nghiệm hoặc luận thuyết của họ, chúng ta cần bình tâm chiêm nghiệm, chưa đi đến tuyệt đích trong việc vén màn bí mật số mạng, chưa dùng khoa học nào để luận ra được sự sai biệt về vận số của những người cùng ngày giờ sinh, thì không thể vội suy tôn khoa học này hoặc phủ nhận cách tính kia.
Đó là chúng tôi tạm mượn khoa học ngày nay để trình bày lý do vì đâu có nhiều cách an sao khác nhau trong Tử Vi.
Thực ra, khoa học ngày nay khác Lý học ngày xưa rất xa ở cứu cánh. Thoạt nhìn thì thấy Tử Vi có vẻ như một môn Toán học, vì có những tài liệu Thiên Văn toán học của người xưa, vì các bộ sao vận chuyển theo những quy tắc nhất định, vì có sự ứng nghiệm khi áp dụng những bộ sao để đoán về tính tình, vận số của một người…
Nhưng khoa học ngày ngay khác Lý học ngày xưa ở điểm sau đây: Khoa học ngày nay tìm cách khắc phục ngoại vật, chinh phục không gian, chế biến ngoại vật để phục vụ bản ngã. Lý học ngày xưa chỉ nhằm mục đích khám phá tương đối, chứ không mổ xẻ đến tận cùng; tìm hiểu những quy luật của vũ trụ chứ không có khát vọng chinh phục ngoại vật. Tìm hiểu những quy luật của vũ trụ, để tổ chức phần nhân sinh cho thuận theo Thiên Lý, để “Thuận Thiên giả Tồn” chứ không chinh phục cái gì cả. Sống theo Thiên Lý, tu thân để đạt đến sự Thái Hòa, Hòa Đồng với vũ trụ.
Chính vì cái nhân sinh quan ấy mà trong khởi điểm, tuy rằng Tử Vi được đặt trên một căn bản Toán Học, Thiên Văn, nhưng Tử Vi không làm cái công việc toán học thuần túy, không nhằm chế biến ngoại vật để chiều theo bản ngã, không lấy bản ngã làm trọng điểm. Vì thế mà cần xét đến các yếu tố tương quan khi nghiên cứu một lá số.
Tử Vi, tuy đặt trên một căn bản Toán Học Thiên Văn, nhưng không làm công việc toán học thuần túy, không nhằm mục đích chế phục ngoại vật, mà lại nhằm mục đích phục vụ một nhân sinh quan Hòa Đồng với Vũ Trụ.
Chúng ta không thể khăng khăng giữ một nhân sinh quan này, để nghiên cứu một khoa học nọ. Nếu cứ khăng khăng giữ lấy cái nhân sinh quan chế phục ngoại vật để đi nghiên cứu một khoa học hòa đồng vũ trụ, thuận theo thiên lý, thì người nghiên cứu đã đi lạc hướng chẳng khác nào cứ uống thật nhiều kích thích tố, mà lại mong cho tâm hồn bình an.
Theo Tạp Chí Khoa Học Huyền Bí