Mặt địa bàn chia làm thành 12 cung theo luật âm dương xen kẽ hoạch định thành 3 đường lối:
a) Tứ sinh gồm có 2 cung dương (Dần Thân) và 2 cung âm (Tỵ Hợi).
b) Tứ chính có 2 cung dương ( Tí Ngọ) và 2 cung âm (Mão Dậu).
c) Tứ Mộ có 2 cung dương (Thìn Tuất) và 2 cung âm (Sửu Mùi).
Mười bốn chính tinh cũng theo phép âm dương chia thành 2 nhóm:
1. Tử vi, Thiên Cơ, Thái Dương, Vũ khúc, Thiên Đồng, Liêm Trinh thuộc dương xuất phát nghịch hướng.
2. Thiên Phủ, Thái âm, Tham Lang, Cự môn, Thiên Tướng, Thiên Lương, Thất Sát, Phá Quân đi theo chiều thuận thuộc âm.
Khi đã an vị rồi, 14 chính tinh này thấy tập hợp thành từng khối: Sát Phá Liêm Tham, Tử Phủ Vũ Tướng đứng chung một phái. Cơ Nguyệt Đồng Lương, Cự Nhật lập thành một phái. Hai phái này không bao giờ có thành phần đứng lẫn lộn với nhau. Tuy đứng thành 2 phái, ỏ trong còn phân chia ra thành từng bộ như bên a có bộ Sát Phá Liêm Tham và bộ Tử Phủ Vũ Tướng, bên b có bộ Cơ Nguyệt Đồng Lương và Cự Nhật.
Bốn bộ sao này phải tập hợp dưới thế đứng chân vạc làm tam hợp mới đủ cách. Những sao của một bộ cứ việc tìm kiếm tam hợp của mình mà đóng, trường hợp không đủ sao thì bỏ trống (vô chính diệu). Không thể lấy sao bên nọ lấp chỗ cho bên kia, vì thế mới thấy có chỗ 1 sao đứng chơ vơ một mình, có nơi 2 sao thành cặp bộ đôi, có chỗ hưu quạnh như xa mạc.
Nhiều trường hợp chiếu trong tam hợp, nhiều bộ sao không đủ cách như Thiên Phủ ở Hợi với Thiên Tướng ở Mão, còn ở Mùi vô chính diệu như vậy chỉ còn Phủ Tướng mà thôi. Cũng như Thái Dương Thiên Lương ở Mão gặp 1 Thái âm ở Hợi, còn Mùi cũng vô chính diệu tức chỉ là Nhật Nguyệt không phải là Cơ Nguyệt Đồng Lương hay Cự Nhật.
Riêng bộ Sát Phá Liêm Tham luôn luôn 3 sao Sát Phá Tham đầy đủ không bao giờ thiếu, vì thế ảnh hưởng rất mạnh với tư cách thực hành là bản ngã của hạng vai u thịt bắp dám làm không ngại. Vì thế mỗi khi đáo hạn Sát Phá Tham là có những cuộc thăng trầm khá quan trọng phối hiệp cùng thế thiên thời thuận hay nghịch cảnh.
Đã biết mỗi đường lối dầu là sinh, Chính hay Mộ đều có từng cặp cung dương và cung âm. Theo cách an sao thì khi thấy 2 sao tụ họp ở bên cung dương thì khi đóng ở âm cung phải chia lìa đối xứng như:
Tử Phủ ở Dần Thân (dương) khi đóng ở âm cung thì Tử vi nếu ở Tỵ Thiên Phủ đương nhiên phải ở Hợi, trái lại Tử vi ở Hợi, Thiên Phủ đóng ngay ở Tỵ.
Cơ Lương ở Thìn hay Tuất (Dương) khi đóng ở âm cung nếu Cơ ở Sửu thì Lương ở Mùi trái lại Cơ ở Mùi thì Lương ở Sửu.
Đây là đạo luật hợp xung:
Hợp là nhập bọn, xung là chống cự. Hai bên đều có vây cánh tìm cách lấn nhau, chỉ có thắng là lấn được người, còn như bại mọi sự đều thua thiệt. Đó là lý lẽ của xung. Vì thế ý nghĩa của Hợp và Xung phải khác nhau.
Liêm Tham ở Tỵ (ÂM) thấy tam hợp từ Vũ Sát đến Vũ Phá là bối cảnh đưa đến tối đen. Nhưng Liêm ở Thân (Dương) Tham ở Dần (D) lại khác hẳn cùng đường lối tứ sinh.
Liêm nhập đoàn với Tử Tướng ở Thìn và Vũ Phủ ở tí thành bộ Tử Phủ Vũ Tướng chinh phạt Phá Quân. Bên kia Tham Lang ở Dần đứng vào hàng ngũ Phá Quân ở Tuất và Thất Sát ở Ngọ thành môt quân đoàn dám đương đầu chống cự Tử Phủ.
Sự thất bại, chánh đáng hay không còn nhờ ở một vài yếu tố khác là bên nào có Thái Tuế, thế xung bên nào khắc xuất bên nào để đi đến chung cuộc.
(Tử vi nghiệm lý toàn thư – tác giả Thiên Lương)