Quan điểm khoa học về mệnh vận

Tác giả: Tiến sĩ Hứa Hưng Trí, Đài Loan

VDTT phỏng dịch

(nguyên tác “Mệnh vận đích khoa học quan”, trang 186-195, sách “Tùng khoa học quan điểm khán tử vi đẩu số”, Hứa Hưng Trí, nxb Thời Báo Văn Hóa, Đài Bắc, 1995).

LỜI ĐẦU: Tiến sĩ Hứa Hưng Trí người huyện Cao Hùng, Đài Loan, sinh năm 1934, du học Mỹ và Nhật Bản, tốt nghiệp tiến sĩ dược khoa. Là giáo sư dược, đồng thời là chuyên gia nổi tiếng của Đài Loan về dược liệu và các vấn đề kỹ thuật.

Mặc dầu thuộc giới khoa bảng được huấn luyện trong môi trường khoa học tân tiến, tiến sĩ Trí lại nghiên cứu Tử Vi (dĩ nhiên bằng nhãn quan khoa học) và đạt nhiều thành tựu đáng kể. Bài dưới đây của ông vì thế không chỉ đơn thuần là chỉ trích, mà còn có tính điều chỉnh, sửa sai nhằm giúp khoa tử vi có chỗ đứng khoa học vững chắc hơn.

Để tránh những hiểu lầm đáng tiếc có thể xảy ra, dịch giả xin chú thích tại chỗ hai điểm sau:

Thứ nhất: Bài này là quan điểm của tiến sĩ Hứa Hưng Trí. Cá nhân dịch giả mặc dù đồng ý trên đại thể nhưng cũng có nhiều điểm bất đồng. Viết rõ thế để nhấn mạnh rằng bài này được đăng không phải vì dịch giả muốn xiển dương quan điểm của tiến sĩ Hứa Hưng Trí, mà chỉ cốt giúp độc giả biết thêm một quan điểm của giới khoa học ở Đài Loan, nơi mà khoa tử vi vừa trải qua một giai đoạn trăm hoa đua nở kéo dài hơn 20 năm.

Thứ hai, về danh từ “người Trung quốc” xuất hiện vài lần trong bài này. Tình hình chính trị của Đài Loan những năm gần đây rất phức tạp. Có một số khá lớn người Đài Loan không xem mình là người Trung Hoa (mà là người Đài Loan, bản xứ hoặc hậu duệ của người Mân Việt, tức một chi của Bách Việt cổ). Quan điểm này dẫn đến phong trào đòi Đài Loan độc lập và mối họa bị hoa Lục xâm lăng. Để tránh né phần nào hoàn cảnh nóng bỏng này, tiêu chuẩn của chính phủ Đài Loan cũng như giới truyền thông (trong đó có sách báo) là cường điệu ba chữ “người Trung quốc”. Ngắn gọn, khi thấy một người Đài Loan xưng mình là “người Trung quốc” trước công chúng hoặc trên giấy mực, ta đừng vội cho rằng họ nói thật lòng mình.

MỘT

Hai chữ “mệnh vận” trong miệng người Trung quốc thật ra là một danh từ cổ cực kỳ trừu tượng, khó mà định nghĩa rõ ràng.

Thông thường, hơn nửa cho rằng (mệnh vận) do đời trước chủ định, diễn trình hoàn toàn có tính bị động chẳng thể cưỡng lại được; ta vừa sinh ra đã bị an bài trong quỹ đạo của đời sống, không có sự chọn lựa, trượt đi trên con đường độc đạo ngoài sự điều khiển của bản thân, cho đến tận điểm cuối cùng là sự chết, rồi lại đợi khi tiếp tục luân hồi.

Nhận định sai lầm này chẳng qua là một nhân sinh quan ngu xuẩn (chú 1) do tinh tượng mệnh quan của thời cổ đại (chú 2) kết hợp với tôn giáo huyễn hư tạo thành.

Tiến sĩ Lý Ước Sắt (chú 3) cho rằng, trong các hệ tư tưởng cổ đại của Trung quốc thì nho gia và đạo gia tiếp thụ thế giới tương đối có lý tính, còn Phật giáo và đạo giáo (chú 4) thì ức chế sự phát triển của khoa học đông phương. Tạm chưa luận lời phê bình của Lý tiến sĩ là đúng hay sai; ta không thể phủ nhận trong thời cổ đại với sinh hoạt bất an, nơi nơi dẫy đầy tật bệnh tử vong thống khổ sợ hãi, tôn giáo đã cho người dân dưới các chế độ chính trị hà khắc một nguồn hy vọng, một nơi ký thác. Đồng thời ta cũng không thể hoàn toàn bỏ qua tác dụng là khiến người ta trốn chạy thế giới, gây ra ý niệm tiêu cực không dám đối diện thực tế; rốt ráo dẫn đến sự lạc hậu về khoa học.

Trong xã hội quốc tế hiện đại hóa, chúng ta thấy rõ các địa khu càng mê tín thì khoa học càng lạc hậu, xã hội càng nghèo khó, quốc gia càng biến động loạn lạc. Nếu bình thản kiểm thảo đời sống con người, các yếu tố ảnh hưởng đến sự biến hóa của “tinh thần”, “nhục thể”, và “vật chất” đại ước có thể phân làm ba loại chính:

1. Điều kiện khởi từ ta: Bao quát các điều kiện có tính tiên thiên như tinh thần, tâm lý, nhục thể do thiên phú bẩm sinh, di truyền v.v… và các điều kiện có tính hậu thiên như học tập, nỗ lực, học lực, công việc, kinh nghiệm, cùng với khả năng thích ứng hoàn cảnh v.v…

2. Điều kiện quan hệ nhân tế: Trong thì có lục thân, dòng tộc, gia đình; ngoài thì có điều kiện liên hệ xã hội như bạn học, bạn bè, bạn làm việc, cấp trên, cấp dưới, khách hàng v.v…

3. Điều kiện hoàn cảnh xã hội, hệ thống bên ngoài: Các quy phạm của chế độ như thời đại, tập tục xã hội, văn hóa, khoa học kỹ thuật, chính trị, kinh tế v.v… ảnh hưởng đến vấn đề cơm áo đi lại, và điều kiện hơn thắng kém thua.

“Mệnh” là khái niệm mang nặng tính tiên thiên của những điều kiện “khởi từ ta”: Thân ta không do ta quyết định, mọi điều kiện bất bình đẳng đã có từ lúc ta sinh ra… “Vận” diễn tả sự phát huy, tiêu trưởng biến hóa của điều kiện tiên thiên, là tiết tấu hoặc hình sóng của những ưu điểm hiện rõ hoặc khuyết điểm bạo lộ, những nhân tố chủ yếu tùy mỗi giai đoạn thời gian biến hóa ảnh hưởng đến ý nguyện, tâm thái của cá nhân.

Mười hai cung Tử Vi chưa lường đến các điều kiện hậu thiên “khởi từ ta” như ý hướng thăng cao, nỗ lực, chọn lựa đường hướng v.v… cũng không có công năng trù tính các điều kiện thời đại, hoàn cảnh. Muốn hiểu rõ đời sống của một người, đầu tiên phải biết phối hợp các điều kiện tiên thiên và hậu thiên, biến chúng thành điều kiện cá nhân xem ra sao đã; sau đó lại phải xét xem cá nhân với các điều kiện ngoại tại như thời đại, hoàn cảnh v.v… hợp nhau thế nào, phát sinh những tình huống nào. Ấy bởi vì tiêu chuẩn giá trị vốn tùy theo hoàn cảnh mà khác nhau, điều kiện hơn được kém thua cũng theo đó mà biến hóa. Hai người tư chất giống nhau có thể vì đường đi định bởi ý nguyện, nỗ lực khác nhau mà gặp may mắn hoặc bất hạnh khác nhau; cũng có thể vì hoàn cảnh sinh hoạt khác nhau mà thành tựu cao thấp khác nhau.

Con người hiện đại không thể không nhận biết sự thật cực kỳ trọng yếu là “Con người là sinh vật của hoàn cảnh”. Điều kiện cá nhân như hạt giống, hoàn cảnh như đất đai khí hậu. Trong hoàn cảnh tốt đẹp cho sự phát triển học thuật ở Hoa Kỳ, các Hoa kiều với tư chất đặc biệt đã có bốn vị được giải Nobel. Chẳng ai dám nói nếu ở lại Đài Loan họ cũng thành tựu tương tự. Sinh hoạt trong cảnh học thuật èo uột của xã hội “quan lớn học vấn cũng lớn” nhất định có nhiều người thông minh tài trí chẳng thua gì bốn vị kể trên nhưng vì thiếu hoàn cảnh nghiên cứu tốt đẹp nên rốt cuộc mai một; đây cũng ví như trong thế kỷ 20 mang hạt lê đến Ả Rập Saudi mà trồng, tuyệt đối chẳng thể kỳ vọng khai hoa kết trái cho được.

HAI

Tìm hiểu mệnh vận chẳng qua là nỗ lực “tri kỷ” (biết ta), với mục đích là phối hợp với “tri bỉ” (hiểu rõ những điều kiện ngoại tại “không phải ta”) để chọn lựa và quyết định con đường thích hợp nhất. Bói toán (chú 5) truyền thống đã diễn giải sai quan hệ này, ru ngủ thường dân, gây ra tai hại hết sức to lớn cho sức sống của dân tộc. Lỗi lầm này không thể tiếp tục dung dưỡng mãi được. Tệ hại nhất là những trò “cải mệnh”, “cải vận” của bói toán. Một số thuật sĩ giang hồ lợi dụng tâm lý bất an, sợ hãi của dân chúng, và nhược điểm của con người là không chịu nhọc công mà muốn được hưởng quả, đặt ra chuyện hối lộ quỷ thần để cải vận. Hành vi tệ hại này một khi tích lũy, bói toán trở thành một loại sinh hoạt hạ tiện xa rời kiến thức hiện đại, không thể không nói là một lỗi sai đáng nhục.

Mệnh vận chẳng qua là điều kiện nội tại của một cá nhân, lực không mạnh bằng điều kiện quần thể của xã hội. Điều kiện quần thể của xã hội lại không mạnh bằng lực tự nhiên của phép tắc khoa học. Xã hội tiến bộ, sự chọn lựa đa dạng hóa, chế độ phép tắc xác định rõ ràng, nghĩa chung của xã hội mở rộng; trong hoàn cảnh khách quan đó mà ỷ lại vào thủ thuật bất thường “quậy nước mò cá” thì khả năng thành công càng ngày càng giảm. Cho nên, chỉ khi nào điều kiện trong ngoài phối hợp tốt đẹp, cát hung trong việc đoán mệnh mới có ý nghĩa. Như một em bé thiên tư thông huệ được thầy giỏi chỉ dạy, gia đình tài bồi, thêm hoàn cảnh xã hội giúp cho thi triển, thì mới có thể sáng tạo bùng vỡ; lại như một nhân viên công chức trừ phi lạm dụng đặc quyền phạm pháp tham ô không kể, khi đến tài vận chẳng thể nào có “tài” gì để phát, tài vận thêm tốt cũng chỉ là chuyện nói chơi thôi; (lại như) một vị học giả kiên trì nghiên cứu, gặp cung tài hóa ba Kỵ (chú 6) thì có “tài” gì để mà phá?

Trong đời sống hiện thực, tuyệt nhiên không có chuyện giản dị là “vào hạn tốt nhất định tốt, vào hạn xấu nhất định xấu”. Trong xã hội Đài Loan bảo thủ khép kín, năng lực của một người không quan trọng bằng quan hệ giao tế; muốn thăng chức đầu tiên phải nói đến quan hệ, kế đó mới đến năng lực. Một phần của quan hệ đến từ yếu tố tiên thiên (như con nhà gia thế chẳng hạn), một phần đến từ yếu tố hậu thiên do ta kinh doanh; nhưng trừ phi cố gắng tu trì, biến cải tâm thái, không nhiều thì ít cũng bị yếu tố tiên thiên lấn áp.

BA

Trong xã hội khác nhau, hoàn cảnh sinh tồn khác nhau, cách định giá mệnh cách tốt xấu cũng có nặng nhẹ khác nhau, đó chính là cái lý “thích ứng sinh tồn, hơn thắng kém thua”. Hiểu rõ thực tế ấy thì mới đào sâu được cái lợi ích tích cực của mệnh vận, chứ không phải là dùng mệnh vận làm nguồn an ủi, trốn chạy cái cảm giác thất bại. Có một số sinh viên đại học nghiên khảo tử vi chủ trương đặt giá trị của mệnh lý vào tầng diện tiêu cực, coi quan điểm cho rằng số mệnh không cưỡng được như một loại tôn giáo tín ngưỡng dựa trên tâm lý bình thường. Tôi thấy đây chẳng phải là điều hay, phản lại e là tăng cái nguy của họa ngu dân.

Cách cải vận chân chính là gặp điều kiện ứng với hoàn cảnh bất lợi thì dùng phép tắc khoa học, suy luận tri thức và công phu cá nhân để giảm thiểu những cảm tính, tâm thái khuyết hãm, bất lợi đến tự chính ta; cơ bản là điều chỉnh lực điểm của điều kiện chủ quan đến từ ta, rồi lại tái điều chỉnh cho đến khi điều hòa với hoàn cảnh bất khả kháng. Bởi thế, cải vận chẳng phải là chuyện nhẹ nhàng dễ làm, càng không phải là chuyện hối lộ các quỷ thần có tiếng huyền diệu; mà là đi thuyền trên giòng nước ngược, là nỗ lực phản lại cái ý đến từ ta, và khắc phục cái xung động của cảm tính, thêm vào với việc vận dụng tri thức khoa học và hoàn cảnh xã hội để tự giúp ta phát triển.

Người Trung quốc rất trọng “quý nhân”. Họ bị hấp dẫn hơn hết bởi tình tiết “anh hùng cứu mỹ nhân” trong ca, kịch, sách, tiểu thuyết, theo công thức “mưa đúng lúc”, giữa lúc hiểm nguy đột nhiên quý nhân xuất hiện. Thanh Thiên đại nhân một lúc thành kẻ chịu hàm oan, không người giúp đỡ, ký thác tâm linh… Muốn thâm cứu mệnh học, không thể để rơi vào loại bệnh thái kỳ cục này.

Người Trung quốc cũng rất thích nói đến “duyên phận”. “Duyên” căn bản là ngôn ngữ tôn giáo nhưng đã thấm sâu vào cái ý niệm trừu tượng đầy tính bị động, không-thể-cưỡng-lại-hoàn-cảnh của họ. Hơn nghìn năm nay, quan điểm này đã thấm sâu vào mô thức suy nghĩ, thành một cách trốn thoát khỏi trách nhiệm: Sinh ly tử biệt thì nói là duyên tận, hôn nhân thành bại tất (nói) là do tiền thế chi phối.

Người bạn tôi có cô con gái đã ba mươi tuổi chưa lập gia đình. Cha mẹ mười phần nóng nẩy, muốn biết khi nào mới gả con đi được. Sau khi phân tích ra týp tâm lý của tiểu thư (chú 7), tôi phát hiện cô là người cẩn thận, nội hướng lại nghiêm túc. Tôi bảo với người bạn rằng, giả như chờ quý thiên kim (chú Posted Image tự đi tìm đối tượng, đợi lương duyên, rất có thể sẽ lỡ hết thời xuân. Như quả muốn tính chuyện hôn nhân, cha mẹ phải tích cực động viên thân bằng quyến thuộc giới thiệu đối tượng, tạo cơ hội cho con gái mình, cho con mình được tiếp xúc nhiều, có nhiều sự lựa chọn. Riêng bản thân cô con gái cũng cần biết khuyết điểm của mình, chú ý lựa chọn người phù hợp, không thể quá phần khó tính.

Đây chỉ là chuyện thường thức đơn giản, (vậy mà) vợ chồng người bạn tôi nghe qua như nằm mộng bừng tỉnh dậy, cám ơn tôi liền ba bốn bận. Hiện trạng loại này khiến ta cảm khái, tự hỏi những huyền thoại (chú 9) truyền thống đã hại bao nhiêu người Trung quốc rồi!

BỐN

Tóm lại, trong ba điều kiện lớn ảnh hưởng đến đời người đã trình bày ở trên, mệnh vận mặc dù có tùy cá nhân mà khác biệt, song không phải là yếu tố quyết định duy nhất. Cho nên, lấy tất cả những tế ngộ của đời người quy về mệnh vận là một loại chạy trốn hiện thực, một hành động co rụt lìa xa thường thức.

Nhiều trường hợp tế ngộ, có một số cái nhân khởi từ ta hoặc cái nhân dính líu đến ta đóng vai trò quan trọng thì thuộc phạm trù tham thảo của mệnh vận. Nhưng cũng có chẳng ít trường hợp tế ngộ do nguyên nhân ở ngoài ta (vượt quá ta) tạo thành, thì chẳng thể nào dùng mệnh vận mà nghị luận được.

“Mệnh vận” và “tao ngộ” tuyệt nhiên không phải là hai từ đồng nghĩa; sự phân biệt này hết sức quan trọng. Người xưa vì không biết mà cuồng vọng, vọng tưởng; giảng ra rằng đời sống nhất luật là quan hệ nhân quả; như có người sinh ra đã lắm bệnh, khiến gia đình hao hết gia tài, rồi chết đi ở tuổi ấu thơ; người xưa bảo “Đó là chủ nợ kiếp trước, kiếp này lại đòi nợ!” Ai mà biết chuyện kiếp trước? Ước đoán quá nhiều cốt cho phù hợp với thần thoại chẳng phải là văn hóa lành mạnh. Thiên tai nhân họa chẳng phải mệnh vận, có người bị chết, có người được cứu, nhất định nguyên nhân chẳng phải là điều kiện đến từ ta hết cả, mà còn có một phần do xác xuất, ngẫu nhiên nữa. Mệnh vận rốt ráo chỉ là những điều kiện cá nhân bao hàm trong 12 cung tử vi mà thôi, không hơn và không kém.

Hình vuông lớn bằng bốn cung ở giữa lá số (ứng với) cái lớn của “thái nguyên thuật”, “thái” ám chỉ cấp tuyệt đối, thuộc điều kiện ngoại tại ngoài tầm tay của ta (chú 10); cộng với giáo dục, cảnh ngộ là những yếu tố hậu thiên. Lý này phải được tôn trọng, không thể tùy ý thổi phồng thành sai hỏng, tạo ra sự siêu việt vô lý. Lên lớp, đi thi rõ ràng là cạnh tranh dựa vào trí lực và nỗ lực tích lũy lâu năm; giải quần vợt rõ ràng là loại tỉ thí đòi hỏi công trình tập luyện dài lâu về kỹ thuật cũng như thể lực; tưởng rằng có thể mang lý tiêu trưởng của lưu niên ra dự đoán thắng thua là tự căn bản đã rời xa cái phép tắc của kinh nghiệm là “phải có nhân trước rồi mới bàn đến quả”.

Không chịu nhìn thẳng vào cái giới hạn của mệnh vận, lầm lẫn cho rằng mệnh vận quyết định tất cả; tìm hiểu mệnh vận như thế thì biến thành một người đầu óc chất phác giải đáp một câu đố khó, so với chuyện chơi xổ số ở Đài Loan nào có khác gì (xem thêm phần chú thích của tác giả ở cuối bài).

Một người bạn nghiệp dư (chú 11) trình độ đại học bảo tôi rằng những lý luận mà tôi đề ra đều đúng, các xã hội dân chủ pháp trị quả như thế, nhưng mà nhiều lá số ông đã xem qua lại chẳng hoàn toàn như thế, bởi vì nhiều hoàn cảnh thực tế không tuân theo diễn biến thường tình, có khi ở chỗ không bảng mà đưa bảng ra -tức là làm ngược- lại thành ra có kết quả. Vì vậy ông hoài nghi, chẳng biết đoán mệnh có thuộc loại thuật dự đoán không dựa trên lý lẽ hay không. Tôi thì chẳng thấy như vậy. Thuật đoán mệnh đáng tin cậy tất phải có căn cứ và phương pháp, tuyệt chẳng thể đoán loạn xạ như người đánh bạc. Xã hội có một số sự kiện dị thường, đó là do những chuyện kỳ cục phát triển mà thành, như theo pháp luật lẽ ra bị xử thua, nhờ tặng hồng bao (chú 12) mà được xử thắng, đó chỉ là luật thường của hoàn cảnh, chẳng thể coi là việc không lường được. Ở một số quốc gia lạc hậu, giết người “có lý do” có thể được miễn tội, với các xã hội văn minh đây quả là chuyện kỳ cục, nhưng ở các quốc gia ấy lại là chuyện thường tình.

Luận mệnh phải suy tư tận lẽ về hiệu ứng của các nhân tố này, bởi chúng và 12 cung tử vi là hai loại dữ kiện khác nhau, thiên vạn không thể trộn vào nhau thành một chuyện. Những việc mà 12 cung tử vi diễn tả toàn thuộc về điều kiện cá nhân, và thiên về các hình loại bẩm sinh, chỉ là tín hiệu về các hình loại có tính lịch sử đã được biết rồi. Nếu muốn căn cứ vào đó mà đoán con người trong một hoàn cảnh nào đó, trong một cảnh ngộ hoặc thất bại nào đó sẽ phản ứng ra sao, qua một diễn trình lịch duyệt, tập luyện sẽ thành tựu thế nào thì tất phải nghiên khảo xem các nhân tố nội ngoại hỗ ứng ra sao, lại phải thêm ý nguyện, nỗ lực cá nhân vào mà cân nhắc định lượng; những yếu tố này tuyệt chẳng đơn thuần nằm hết trong mệnh lý. Phép luận này đòi hỏi học thức cao thâm, kinh nghiệm dạn dày, lịch duyệt quảng đại, bác học tinh thông nhân tình thế thái mới mong làm nổi. Lời bàn thống hợp cũng chỉ là một tấm địa đồ dùng để tham khảo, không thể bảo đảm nhất định phải ra như vậy.

Đời sống con người là một kết quả của nhiều biến số kết hợp chồng chéo phức tạp với nhau. Những gì chúng ta lấy hết sức bình sinh ra tìm hiểu được chẳng qua chỉ là những phần hiện ra ngoài, những mạch thô sơ chính yếu mà thôi. Tuyệt đối chẳng thế nào nắm vững các tình tiết li ti. (Thế nhưng) Lấy kinh nghiệm ấy làm kim chỉ nam cho đời sống, nói chung vẫn hơn kẻ mù mò mẫm rất nhiều. Giá trị của việc tìm hiểu mệnh lý chính là như vậy.

Đối với sự kiện mệnh lý không chính xác lắm, chỉ có thể họa cho ta những nét chấm phá các bạn trẻ chắc chắn cảm thấy vô cùng thất vọng. Chúng ta khát vọng một phép dự đoán tương lai có tính khẳng định, rõ ràng mà lại chính xác. Khoa học hiện đại không thỏa mãn được khát vọng ấy. Phép đoán mệnh truyền thống mạnh miệng bảo đảm là thỏa mãn được, nên (các bạn ấy) mới nguyện ý tin tưởng mệnh vận. (Thiết nghĩ các bạn ấy) cần phải điều chỉnh tâm lý này lại cho phù hợp với tri thức trưởng thành. Thế gian vốn có rất nhiều sự thật chúng ta không thích mà chẳng thể nào thay đổi được./ &n bsp;

Hứa Hưng Trí, 1995

VDTT phỏng dịch

5 tháng 8, 2005

Phần chú thích của tác giả Hứa Hưng Trí

Nếu chỉ đơn thuần dựa vào mệnh vận cá nhân mà xác định được thành bại; rõ hơn nếu sự thành bại trong sự nghiệp, việc sống chết của con người đều do mệnh vận quyết định mà không cần biết đến yếu tố khách quan nào khác, thì ta có thể tiến hành một cuộc thí nghiệm phản chứng. Chúng ta kiếm một người có mệnh cách vinh hoa phú quý, tại lưu niên có ba Lộc giao trì (chú 6), rồi bảo người ấy nằm trên đường rầy xem thử có bị xe lửa cán chết không. Nếu cán không chết thì quả đúng là vận tốt xe lửa cán không chết. Tôi dám lấy hết tài sản đánh cuộc với bất cứ ai là người ấy sẽ bị cán dẹp vụn, máu thịt bầy nhầy.

Đài Loan có câu tục ngữ “tiền không có hai đồng không kêu”, mọi hiện tượng muốn phát sinh tối thiểu phải có nội nhân tố và ngoại nhân tố; toán học gọi là điều kiện cần và điều kiện đủ. Mệnh vận là nội nhân tố, điều kiện khách quan và phép tắc khoa học là ngoại nhân tố. Ngoại nhân tố mạnh hơn nội nhân tố nhiều (người xưa nói là “hình thế mạnh hơn người”, dân Đài Loan thì nói “chiếm được địa vị tốt thì thắng Đổng chưởng pháp”). Cho nên chỉ có nội nhân tố không thể xem là tất nhiên được. Thành công tương đối khó khăn là vì nội ngoại nhân tố phải phối hợp hoàn mỹ. Thất bại tương đối giản dị vì chỉ cần -hoặc nội nhân tố hoặc ngoại nhân tố- một trong hai có vấn đề. Chẳng hạn như muốn xe hơi chạy được tất nhiên công năng của mỗi bộ phận đều phải ở trong tình trạng chính thường; nhưng muốn chạy không nổi chỉ cần tháo bỏ vít lửa hoặc gỡ một bánh mang đi là xe phải dừng ngay. Ngoại nhân tố vượt quá sức của cá nhân, chẳng thể khống chế hoặc đối kháng. Chúng ta chỉ có thể nắm vững và khống chế được nội nhân tố. Phương sách là hiểu rõ và điều chỉnh nội nhân tố, rồi phối hợp với ngoại nhân tố mà tranh thủ cơ hội, giảm thiểu tai hại. Nhận rõ được quan hệ này thì nghiên cứu mệnh vận mới có giá trị./

VDTT phỏng dịch

Phần chú thích của dịch giả

  1. Lời phê bình này khá nặng nề. Dịch giả không đồng ý, nhưng quyết định giữ nguyên ý để độc giả rộng đường luận xét.
  2. “Tinh tượng mệnh quan” rất khó dịch xuôi, đại khái là khái niệm về số mệnh khởi từ những hiện tượng thiên văn mà người xưa quan sát thấy và cho là có liên hệ mật thiết với đời sống.
  3. Tác giả Hứa Hưng Trí cũng không chú thích nên dịch giả không rõ tiến sĩ Lý Ước Sắt là nhân vật nào.
  4. Tiến sĩ Lý Ước Sắt có vẻ phân biệt đạo gia và đạo giáo, không hiểu dựa trên cơ sở nào. Người Việt ta nói chung đều coi là một, thuộc hệ suy tư Lão Trang cả.
  5. Nguyên văn là “Túc mệnh”; rất khó dịch. Hai chữ “bói toán” chỉ là phỏng dịch mà thôi.
  6. Đây là cách xem dựa trên lưu tứ hóa khá thông dụng ở Đài Loan. Như sinh năm Giáp ở Tuất có Thái Dương hóa Kỵ, khi đại hạn vào Tuất thì Thái Dương bị thêm đại hạn Kỵ, trong đại hạn ấy lưu niên vào năm Giáp tất lưu niên hóa Lộc cũng ứng vào Thái Dương, là thêm một Kỵ nữa, thành ba Kỵ (nguyên thủy, đại hạn, lưu niên). “Ba Lộc giao trì” là ba sao hóa Lộc cùng cung hoặc xung chiếu.
  7. Cách phân tích này nói chung phối hợp hai phái phân tâm của Adler và Jung. Ở Hoa Kỳ được xử dụng khá nhiều để nhận định cá tính con người.
  8. Con gái người ta, mình tỏ ý trọng thì gọi là “quý thiên kim”. “Quý thiên kim” đây tức cô gái 30 tuổi đã đề cập ở trên.
  9. Tác giả dùng chữ “mê tư” là chữ phiên âm có nghĩa của danh từ Anh ngữ “myth”. Myth nghĩa là huyền thoại nên đây chỉ dịch là “huyền thoại”.
  10. Đoạn này ngắn nhưng rất khó hiểu. Dịch giả không chắc đã dịch đúng nghĩa mong muốn của tác giả. Âm Hán Việt nguyên văn là “Tại mệnh bàn cách thức trung ương đích đại tứ phương cách – ‘Thái nguyên thuật’ đích đại ‘Thái’ đích tuyệt đối hạng”. (Vì ở phần khác của sách ông Trí cho rằng Tử Vi được gợi ý từ thuật Thái Nguyên, một phép tính đại số do toán học gia Chu Thế Kiệt đời Nam Tống nghĩ ra) dịch giả phỏng đoán ý của ông Trí là: Hình vuông lớn ở giữa lá số tử vi vì lớn bằng 4 cung nên phải ứng với những yếu tố tối quan trọng, nhưng cung này tử vi không an sao, có nghĩa đây là yếu tố quan trọng mà khoa tử vi không biết nổi.
  11. “Bạn nghiệp dư” đây ắt hẳn là bạn nghiên cứu tử vi. Vì có nghề nghiệp khác, nên tử vi chỉ là “nghiệp dư” thôi (tác giả, tức tiến sĩ Hứa Hưng Trí, cũng thế).
  12.  “Hồng bao” nguyên là bao giấy đỏ đựng tiền lì xì, ở Đài Loan khi tặng tiền người ta cũng hay dùng phong bì đỏ, nên “tặng hồng bao” là tiếng lóng thông dụng, ám chỉ việc hối lộ.

Trusted by some of the biggest brands

spaces-logo-white
next-logo-white
hemisferio-logo-white
digitalbox-logo-white
cglobal-logo-white
abstract-logo-white
white-logo-glyph

We’re Waiting To Help You

Get in touch with us today and let’s start transforming your business from the ground up.