Bài viết của TS. Đằng Sơn

Hôm qua ở quán ăn tôi gặp lại một anh bạn. Đang bàn về “duyên” và “nghiệp” chưa ngã ngũ chẳng hiểu sao anh lại gợi chuyện Tử Vi. Nhưng rất có thể cái chẳng hiểu sao đó đã là một nguyên nhân khiến tôi hôm nay tìm cách “tái ghi danh” với Tuvilyso. Ly kì làm sao, khi tái ghi danh tôi mới hay cái tên VDTT đã có người lấy đi rồi. Đành tạm chuyển sang VDTT.1 vậy.

Người vắng mặt lâu tất có nhiều chuyện kể.

Nửa năm trước đây khi đảo qua các mạng mệnh lý tiếng Hoa, tình cờ tôi gặp cùng một bài được trích ở vài blogs khác nhau, trong đó có:

http://blog.sina.com…php?pbgid=40169

http://blog.udn.com/life888/2209417

Nhưng có thể đã bắt đầu từ

http://www.fengshui-…d.php?tid=33533

Nếu đúng thế thì bài này đã được viết năm 1998, tức là mười hai năm trước đây, khi mà khoa Tử Vi vẫn còn ở trong thời trăm hoa đua nở. (Theo nội dung tôi vẫn cho là bài này được viết sớm hơn nữa, khoảng đầu thập niên 1990’s, như 1992, 1993 chẳng hạn và được đăng đầu tiên ở một chỗ khác; nhưng đó chỉ là nghi vấn).

Tên tác giả thấy đề là Axis, có lẽ chỉ là nick trên mạng ảo.

Cảm thấy tác giả đã bỏ ra khá nhiều công lao và suy nghĩ khi đặt bút, tôi đã phỏng dịch lại bài này, hy vọng giúp các vị lưu tâm hoặc tò mò có cái nhìn rõ hơn về tình hình chung của khoa Tử Vi cũng như vai trò trọng yếu của hai nhân vật Liễu Vô cư sĩ và Tử Vân trong thời trăm hoa đua nở rầm rộ ấy ở đảo quốc Đài Loan.

Các vị hiểu bạch thoại có thể đọc thẳng bản Hán văn ở các websites kể trên.

Bài này phải đăng vài kỳ mới hết. Xin bắt đầu

Vài cảm nghĩ về phong trào mệnh lý mười năm qua

Mười năm lại đây, Đài Loan nổi lên phong trào nghiên cứu số thuật, khiến ngành học thuật này, xưa chỉ lưu hành trong giới trung hạ lưu xã hội hoặc trong giới văn nhân không toại chí, một lúc tựa hồ biến thành một môn hiển học. Trong xã hội các loại kỹ xảo, kỳ chiêu bách xuất, tựa như hô phong hoán vũ; thế nhưng cho đến ngày nay, đáo để có bao người suy ngẫm những kỹ xảo này rốt cuộc có lợi hay là có hại cho đời?

Chuyện cố ý làm ác thì trang xã hội của các báo dẫy đầy: Thầy bói lừa tiền lừa tình, thầy bói khiến người ta phá nhà mất mạng v.v… Còn một số người vô ý làm ác thì chẳng lẽ lại coi là được hay sao? Người đề nghị giờ sinh có điểm gì tốt? (dgc = dịch giả chú: Đây chắc ám chỉ những người đề nghị giờ sinh mổ, viện lẽ rằng mổ giờ tốt thì đứa con ra đời có số tốt)… “Số anh tương lai lấy một cô vợ cao thước sáu lăm nặng năm mươi ký”… Cách đoán thế này đầy dẫy khắp nơi trong thị trường bói toán… “Cô thiên tính cô khắc, kết hôn nhất định li dị, gia đình nhất định không hạnh phúc”… Cách đoán thế này cũng thấy rất thường.

Những loại loại thế này, rốt cuộc giúp được gì cho người ta? Nếu không có thái độ và quan niệm mệnh lý chính xác, các cách đoán kể trên chỉ khiến cho người ta kết vào lòng một tầng âm hưởng, đè trong tim một khối đá nặng nề! Bất luận tâm lý hoặc nguyên nhân thế nào, người đề nghị giờ sinh đều có quyền hiểu biết quan niệm mệnh lý chính xác, đều có quyền yêu cầu tự do không bị sợ hãi; nhưng một mặt khác người luận mệnh có nhiệm vụ hiểu dùm cho người ta mệnh lý là thế nào, tác dụng và hạn chế của mệnh lý ra sao… Đây đích xác chẳng phải là nhiệm vụ giản dị, nhưng tôi hy vọng những người luận mệnh tận lực hoàn thành cho bằng được. Bởi vì theo kinh nghiệm học tập Tử Vi nhiều năm của tôi thì số người bị mệnh lý làm hại vượt xa số người được mệnh lý làm lợi. Đây là một kết quả mười phần đau lòng, hy vọng những học giả sau này nhớ kỹ điểm ấy, kẻo không thì người đời sau lại tiếp tục bị nguy hại bởi tư duy sai lầm. Những sai lầm tư tưởng của nhân loại đã quá nhiều rồi, chẳng nên thêm một cái sai lầm nữa.

Tử Vi mười năm qua: Từ duy tâm luận đến tâm vật hợp nhất

Từ khi sách “Đẩu Số chân thuyên” của Tuệ Tâm trai chủ được xuất bản cho đến nay, thời gian đã quá mười năm, nếu bảo trước Dân quốc năm thứ 71 (dgc: tức 1982) Tử Vi còn ở thời tiềm phục, thì Đẩu Số chân thuyên quả thật đã kích khởi mười năm tưng bừng. Đến ngày hôm nay quay đầu nhìn lại những ngày huy hoàng đó thiết nghĩ là một việc làm có ý nghĩa và giá trị. Bởi vì trong quá trình ấy, mặt ẩn của Tử Vi, mặt ám của Tử Vi, năng lực và hạn chế của Tử Vi, nhất nhất đều được phát giác và bị kiểm thảo, lần hồi những phép tắc suy nghĩ có khoa học, hợp lý được đưa vào Tử Vi, trở thành một bộ phận không thể thiếu cho việc đoán mệnh chính xác. Những thay đổi về quan niệm này nếu nhìn từ góc độ triết học thì có thể nói là đã đi từ duy tâm đến tâm vật hợp nhất. Bút giả muốn ghi lại chuyển biến tư tưởng quan trọng này, mong rằng nhờ nó mà chúng ta hiểu rõ và sâu hơn mặt thật của mệnh lý.

Tương truyền Tử Vi do ông Trần Hi Di sáng chế ra, nhưng điểm này không quan trọng, (đáng nói là) sau khi sáng lập mấy trăm năm, Tử Vi tựa hồ bị đóng cứng như băng, không có phát triển nào to lớn. Tương truyền đời Minh ông La Hồng Tiên đã từng làm việc chỉnh lý, nhưng sau đó diễn biến thế nào thì không rõ. “Bí kíp” Tử Vi hiện đại là một quyển sách đời Thanh, phát hành trong thời Đồng Trị, tính đến nay chỉ mới hơn trăm năm (dgc: Hẳn ám chỉ “Tử Vi Đẩu Số Toàn Thư” hoặc “Tử Vi đẩu số toàn tập”). Việc truyền bá Tử Vi vào các tầng lớp trung và hạ tầng xã hội cũng hình như không được coi trọng, như có thể thấy qua sự phát triển chậm chạp của khoa này. Lúc mà khoa bát tự đã rầm rộ ngàn hoa, rồi được đưa vào tứ khố toàn thư, khoa Tử Vi vẫn chẳng được nghe biết. Mãi đến những năm đầu của chính phủ Dân Quốc mới có sách “Đẩu Số tuyên vi” bình chú tường luận có hệ thống; nhưng chuyện đó xảy ra chỉ mới sáu, bảy mươi năm trước mà thôi

(dgc: Đẩu Số tuyên vi nguyên bản gồm hai tập, phát hành lần lượt các năm 1928 và 1935 ở Hoa Lục; gần đây được nhà xuất bản Vũ Lăng ở Đài Bắc, Đài Loan in lại. Ngoài ra cũng có tối thiểu một bản “man thư” Đẩu Số tuyên vi được phổ biến ở Đài Loan, bản “man thư” này có bảng tứ Hóa khác hẳn Đẩu Số tuyên vi nguyên thủy mà giống hệt chi phái Trung Châu của ông Vương Đình Chi.)

Nói về sự phát triển của khoa Tử Vi từ năm Dân Quốc 38 (dgc: tức 1949, hẳn là ám chỉ sự phát triển ở Đài Loan sau khi Mao chiếm Hoa lục khiến Tưởng phải chạy sang hòn đảo nhỏ này) trở về sau thì phải kể đến hai nhân vật trọng yếu, một vị là ông Thiết Bảng đạo nhân, vị kia là cụ Hà Mậu Tùng. Đương nhiên cũng có những người khác hiểu khoa Tử Vi, nhưng những cống hiến của họ về cách suy luận không lớn. Một học phái muốn phát huy ảnh hưởng thì việc thu thập môn đệ và trước tác lập thuyết đương nhiên tất yếu, nhưng nếu trong môn đồ có người xuất bản dương danh thiên hạ thì có lẽ còn trọng yếu hơn nữa. Trong hai vị đã kể trên, hiển nhiên cụ Hà Mậu Tùng của Thái Cực Huyền Xã là hiện tượng được đề cập. Đại đệ tử của cụ là ông Tử Vân, nhờ viết sách lập thuyết, nói đến những điều người xưa chưa nói, đã thành một đại tông sư của giới Tử Vi ngày hôm nay (dgc: Dĩ nhiên ý là “giới Tử Vi Đài Loan ngày hôm nay”). Ông là một đầu tàu của phong trào hiện đại hóa Tử Vi, mà thành tích sẽ được đề cập tường tận ở phần sau bài này.

Trước năm dân quốc 70 (dgc: tức 1981), việc học Tử Vi hơn nửa xảy ra trong các lớp ít người, nhưng sau khi Tuệ Tâm trai chủ bắt đầu bàn luận Tử Vi trong Trung Quốc thời báo thì Tử Vi đã có một luồng sinh khí mới. Nhờ Tuệ Tâm trai chủ xử dụng ngôn từ hiện đại dễ hiểu thuyên giảng tính chất các sao khiến thuật đoán mệnh cổ truyền này (dgc: tức Tử Vi) trở thành mười phần dễ dàng: Dễ lập lá số, dễ đoán vận mệnh. Bộ sách này (dgc: tức “Tử Vi đẩu số chân thuyên”) có thể nói là đã đạt thành công toàn diện, nghe nói đã bán đến mấy trăm ngàn bản, trở thành sách cầm tay, gối đầu giường của người học Tử Vi. Sau đó bà viết các sách Tử Vi xem hôn nhân, xem tài bạch, luận giới công thương v.v… cũng đều thành công cả, hiện nay bà vẫn viết một cột chuyên môn trên báo…

Sự thành công của “Tử Vi Đẩu Số Chân Thuyên” không phải là ngẫu nhiên, vì sách này giúp độc giả có thể tự an lá số, tự theo từng cung một mà luận mệnh, so với các “bí kíp” thì giản dị dễ hiểu, nhưng nhờ bà xử dụng phép tính từng cung một mà người ta nắm vững được quy tắc và kỹ xảo của khoa Tử Vi. Tóm lại, sách Chân Thuyên đã tạo được sự chú ý rộng rãi. Nhưng vì nội dung hạn chế, nó khiến độc giả không dễ tinh tiến.

Tiếng vang sâu rộng của sách Chân Thuyên dĩ nhiên có tác dụng rất tốt cho sự phát triển của khoa Tử Vi, nhưng nếu xét về nội dung thì nó đã để lại chẳng ít chỗ tranh luận, chẳng hạn vấn đề Hóa Kỵ của can Canh. Điểm chính là Tuệ Tâm trai chủ chủ trương Thái Âm hóa Kỵ vì bà cho rằng Thiên Đồng là phúc tinh không hóa Kỵ. Rốt ráo thì Thiên Đồng có hóa Kỵ không? Đó là một vấn đề đã được tranh luận trong một thời gian dài. Ngoài ra vì bà viết dưới dạng luận văn, mặc dù ý tưởng hiển hiện dễ hiểu, nhưng về những vấn đề nhân gian thực tế thì ít có trường hợp “chích kim thấy máu” (dgc: thành ngữ, ý nói có kết quả thấy ngay được), ấy bởi các điều được viết đa số có tính lý thuyết, gây bối rối cho người mới học. Lại nữa, tác giả tựa hồ thiên về đặc tính cơ bản của các sao, việc đoán vận mệnh tương đối sơ lược, ví như giúp người học đến trường mà không giúp họ vào được trong phòng học vậy.

Từ khi Tử Vi được coi trọng rồi thì rất nhiều người bắt đầu ra sách, thuyết của các nhà tranh tiếng tạo thành cảnh trăm hoa đua nở: có người theo tâm pháp cổ truyền, có người phối hợp văn học với Tử Vi, có người phối hợp Tử Bình với Tử Vi, lại có người theo chủ nghĩa huyền bí, phối hợp Tử Vi với tôn giáo, cũng có người chuyên cổ xúy “bí kíp” của tiên sư… trăm màu nghìn sắc. Trong đó tương đối được coi trọng phải kể đến:

Một: Ngô Tình. Đáng tiếc các tác phẩm của ông cơ hồ đều đã tuyệt bản, trên thị trường khó mà mua được. Tác phẩm lớn của ông là “Tử Vi Đẩu Số thất đoạn thức đoán mệnh pháp”. Trong sách này ông nặng nề phê bình cách xem Tử Vi cổ truyền. Chẳng hạn: “Đa số những sao nhỏ trong Tử Vi đều chẳng có công dụng gì cả”, “Thiên Thương Thiên Sứ thuyết cổ bảo có thể đoán chết sống chỉ là hù người”, “tính miếu vượng lợi hãm cũng không có công dụng” v.v… Tác giả trong sách này nhấn mạnh rằng trọng tâm của Tử Vi là sự biến hóa của tứ hóa, cho nên hóa Lộc và hóa Kị mới là yếu tố quyết định. Đồng thời trong sách này tác giả cũng nói rằng ông nắm trong tay “bí mật thiên cổ bất truyền” v.v… Nói chung thì ông đã lên tiếng đề xuất việc cải cách khoa Tử Vi, tiếc là thái độ của ông có lúc xem mình quí người tệ, rốt cuộc không thể đóng góp thêm nữa cho việc hiện đại hóa Tử Vi.

Hai: Thấu phái. Phái này lấy Tử Vi hợp với bảng phong thần. Họ gọi khoa Tử Vi là “Tử sắc tường vi chiêm tinh thuật” (khoa chiêm tinh dựa trên hoa tường vi sắc tím), ví Tử Vi là con trưởng của Văn Vương Bá Di Khảo; cái gì mà Thiên Đồng là Văn Vương, Phá Quân là Trụ Vương, Vũ Khúc là Hoàng Phi Hổ v.v… Đáng tiếc cách ví von của họ không lớp không lang, với những người Nhật Bản hiếu kỳ bị lừa không biết thì còn được, còn chúng ta người đời sau mà để cho bị lừa thì thật là quá đáng (dgc: “đời sau” đây hẳn ý nói là hậu duệ của người nghĩ ra Tử Vi).

Ba: Sở Hoàng. Vị này viết sách lập thuyết, chủ trương phối hợp Tử Vi với bát tự, và khi luận Tử Vi cũng xử dụng nguyên lý đoán mệnh của bát tự, nào là lý tương sinh tương khắc, cũng sáng chế lý luận “lạp hoàn” (dgc: kéo vòng tuần hoàn) để giải thích liên hệ giữa các sao và phép tính bát tự, cũng thành một cách xem riêng.

Bốn: Chính Huyền Sơn Nhân. Vị này đặt ra Thiên Địa Nhân Tử Vi Đẩu Số, tự xưng rằng kiến thức Tử Vi của mình là do “thần” dạy cho. Trong các tác phẩm khá đồ sộ ông có bỏ rất nhiều giấy mực để viết về tinh thần cầu đạo và quá trình học đạo của mình. Về nội dung thì có thể nói tương đồng với các khóa Tử Vi bổ sung.

Năm: Phan Tử Ngư. Đặc điểm của vị này là hạ bút như đao, chẳng hạn “Người này tất làm trộm cắp”, “Bà này nhất định bay chức” v.v… Trong các sách còn có đặc điểm nữa là hay dùng câu đại loại “Căn cứ theo bản riêng viết tay của tiên sư để lại…” để thiết lập đáp án cho các vấn đề hóc búa.

Các tác giả trên đây, nếu xét theo ngày hôm nay đều có thể nói là không hợp thời nữa, nhưng một khi nghĩ lại sự kiện họ đều đã có lúc phong quang thì không thể nào không lo nghĩ đến việc hiện đại hóa Tử Vi. Bởi người ta có thể hỏi rằng: Những đại sư, nhà tiên tri v.v… có thực là có danh lớn thì cái học cũng thật lớn chăng? Làm thân học giả đời sau tất phải nghĩ sâu về cái đạo lý trong câu hỏi ấy. (Còn tiếp)

Bắt đầu từ năm Dân Quốc 73 (dgc: tức 1984), Tử Vi tiến vào một thời đại mới, diễn biến này có thể quy công lao về ông Hoàng Trung Lâm và những người xung quanh ông, vì nỗ lực của các vị này mà việc hiện đại hóa Tử Vi đã lần hồi thành hình, và quan điểm khoa học của mệnh lý đã được thiết lập. (dgc: Riêng cho các vị nghiên cứu tính danh học: “Hoàng” là chữ hoàng của màu vàng, “Trung” của ‘trung thành’ trên trung giữa dưới tâm tim, “Lâm” của lâm li ướt át, trên vũ mưa dưới lâm rừng)

Ông Hoàng Trung Lâm, bút danh Liễu Vô cư sĩ (dgc: Liễu của kết liễu, Vô của vô vi), nghề gốc là ký giả, nhưng sau bắt đầu tiếp xúc với mệnh lý. Năm Dân Quốc 70 (dgc: tức 1981) ông bắt đầu viết sách bát tự. Năm Dân Quốc 73 (dgc: tức 1984) ông ra sách “Tử Vi luận mệnh” (dgc: Hẳn ám chỉ sách “Tử Vi luận mệnh bất cầu nhân”). Lúc ấy chỉ là một đòn “thử lửa” với làng Tử Vi, sách này tạo được phản ứng rất tốt đẹp, và nó đã cho Liễu Vô cư sĩ một cơ hội. Đầu năm Dân Quốc 73 (dgc: tức 1984) ông Châu Thật Long của Hi Đại Thư Cục cho Liễu Vô cư sĩ cơ hội đó, và từ năm Dân Quốc 74 đến 75 (dgc: tức 1985-86) Liễu Vô cư sĩ đã hoàn thành bộ sách quan trọng “Hiện đại Tử Vi” gồm 7 tập, thế là việc hiện đại hóa Tử Vi đã đi được bước đầu tiên. (dgc: dịch giả đã từng nhớ lầm, bảo là tập này 20 quyển. Thành thật xin lỗi độc giả).

Nội dung sách “Tử Vi luận mệnh” chủ yếu phê phán những tác phẩm của những người đương thời được coi là “đại sư”, tác giả cũng đưa ra luận chứng, thuyết minh quan niệm mệnh lý chính xác phải như thế nào. Phương thức vừa phá vừa dựng này có thể nói là đã nói dùm cho độc giả. Đương nhiên các “đại sư” phản pháo, thế là tạo ra một trường bốn phương công kích tranh luận tưng bừng.

Sau “Tử Vi luận mệnh”, Liễu Vô cư sĩ đã thành một tên tuổi mới trong làng Tử Vi. Nhờ phương pháp và mô thức suy luận có tính hiện đại, ông được coi là phát ngôn nhân của các phần tử trí thức trong giới nghiên cứu mệnh lý truyền thống. Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của “Hiện Đại Tử Vi” chẳng thể coi là ngẫu nhiên vậy.

“Hiện Đại Tử Vi” ra đời trong các năm Dân Quốc 74-75 (dgc: tức 1985-1986), tổng cộng 7 quyển. Tác giả ngoài Liễu Vô cư sĩ ra còn một số nhân sĩ, bao quát tiến sĩ Hứa Hưng Trí, Tuệ Canh thuật sĩ, Phi Vân cư sĩ v.v… “Hiện Đại tử vi” bao quát một bộ phận gọi là “Tử Vi quảng trường”, là chỗ cho độc giả bày tỏ quan điểm, đây có thể coi là một sáng kiến. Ở đây, trong tập thứ 7, một độc giả họ Thái viết về tác dụng của HIệN ĐạI Tử VI: “Quan niệm hình thành từ nhận thức. Rất nhiều người học mệnh lý thiếu nhận thức chính xác về mệnh lý, ông chính là người đã đề nghị (cho độc giả) những nhận thức (chính xác) đó”. Quan điểm loại này đã nói lên cái ảnh hưởng của Hiện Đại Tử Vi.

Mỗi tập Hiện Đại Tử Vi đều có điểm đặc sắc, chẳng hạn: Tập 2 có bài nghiên khảo về thuật “Đẩu Số bí nghĩa” được mệnh danh là thiên cổ bất truyền, (theo đó) nội dung sách tựa hồ tạp loạn bất nhất, nhưng rất nhiều quan niệm trong sách này được trình bày ra…

Trong tập 7, có rất nhiều quan niệm được đề cập. Một là đả phá tính mê “bí kíp”. Năm Dân Quốc 74 (dgc: tức 1985) Tử Vi Đẩu Số bí nghĩa xuất hiện, tạo thành một phong trào cực lớn, được gọi là “bí kíp Tử Vi không gì không đoán được”, mỗi bộ bán 15000 đồng Đài Loan (dgc: khoảng sáu trăm Mỹ kim), sau phát giác có chuyện xuống giá, từ 15000 xuống 5000, rồi 3000 xuống 1500, phảng phất giống như nhiều năm sau này cổ phiếu ở Đài Loan xuống giá vùn vụt vậy. Liễu Vô cư sĩ dùng học lý phê bình loại tâm lý này, đồng thời đề xuất rất nhiều quái chiêu của làng Tử Vi, cho mọi người biết rằng các “trò chơi” trong làng Tử Vi thật ra chẳng phải là ít. Một đề tài hay khác là nỗ lực hiện đại hóa Tử Vi. Giáo sư Hứa Hưng Trí phát biểu quan điểm, như trong tập thứ 3: Quan điểm về mệnh lý của một người trong giới khoa học kỹ thuật vân vân… với những lý luận mạnh mẽ và có cơ sở nhằm hiện đại hóa khoa Tử Vi, những bài viết của ông đề ra nhiều quan niệm và vấn đề, một số ngày hôm nay đã được giải quyết, một số khác còn phải chờ người sau nỗ lực. Nội dung những bài viết này thuộc loại khiến các độc giả ham học hỏi đọc một lần muốn đọc lại để ghi nhận kỹ lưỡng hơn.

Một phương hướng khác của Hiện Đại Tử Vi là xử dụng lô gích để nghiên khảo mệnh lý. Bộ phận này chủ yếu tập trung từ tập 4 trở đi, nhờ dùng tam đoạn luận mà xác nhận ra năng lực và giới hạn của khoa Tử Vi, đây là một bước thực tế rất lớn trên con đường hiện đại hóa Tử Vi. Ấy bởi vì trước đó quan niệm của người xem Tử Vi là: việc gì cũng đoán được, bất luận có liên hệ với người khác hay không, chỉ cần dùng thẳng phép “mượn cung”, người gì việc gì đều có thể dùng lá số mà xem ra được (dgc: Phép “mượn cung”, cũng gọi là phép “đổi cung”, theo đó thì cung hạn là cung mệnh tạm thời, hay là “hạn mệnh”, cung kế tiếp là hạn phụ mẫu, rồi đến hạn phúc, hạn điền v.v… thứ tự y hệt nguyên thủy, chỉ khác là các cung đều vận chuyển theo thời gian). Nhưng Hiện Đại Tử Vi phủ nhận phép bành trướng quá độ này (dgc: vẫn chấp nhận phép mượn cung, nhưng không cho rằng Tử Vi có tác dụng vạn năng), không cho rằng Tử Vi tự nó có khả năng đoán bất cứ sự việc gì liên hệ đến người khác -trừ phi thêm những dữ kiện liên hệ đến người ấy vào lá số. Đây là thành tựu vĩ đại của Hiện Đại Tử Vi, mặc dù chỉ được phân nửa. Về nửa kia -điều kiện thu nhập dữ liệu- thì phải chờ sư phụ là ông Tử Vân giảng giải. (Còn tiếp)

Do sự thành công của Hiện Đại Tử Vi, rất nhiều tác giả bắt đầu xuất bản mạnh mẽ, như Đường Sơn Dật Sĩ, Tuệ Canh thuật sĩ, ông Tử Vân v.v… Trong đó Tuệ Canh và Tử Vân ảnh hưởng tương đối lớn. Trước tác của Tuệ Canh thuật sĩ là tập “Tử Vi đẩu số khai vận toàn tập” tiếc là vì một số nguyên nhân mà chưa xuất bản hết, khá đáng tiếc vậy. Sách của ông giải thích kỹ lưỡng quan niệm và ứng dụng 12 cung cũng như tính chất các sao, là tác phẩm hay. Đó là chuyện sau năm Dân Quốc 77 (dgc: tức sau năm 1988). Cùng thời gian ấy ông Tử Vân xuất bản sách “Đẩu số dữ nhân sinh” (dgc: Tử Vi và nhân sinh), tự thuật lại chuyện mình học Tử Vi và giải thích cách đoán 12 cung.

Cũng trong khoảng thời gian này sách Tử Vi xuất bản liên miên, xếp thành hàng trong các tiệm sách xem đến cay cả mắt. Chẳng hạn theo người có khả năng chuyên môn chỉnh lý tác phẩm của người khác báo cáo thì: rất nhiều sách là sao lại, có sách suy diễn cách giải thích của phái hóa Lộc hóa Kỵ của cung can, lại có sách xưng là bí cấp của Khâm Thiên giám v.v… xếp thành đống. Nhưng các sách này dẫu nhiều mà không tạo được khí thế, nhất là sau khi ông Tử Vân làm công việc bổ sung rất nhiều chỗ khuyết rỗng của khoa Tử Vi cổ truyền.

Nói rõ hơn một chút: Về kỹ thuật luận đoán thì ông Tử Vân là bá vương của làng Tử Vi hôm nay (dgc: “Kỹ thuật luận đoán” có lẽ ám chỉ việc đoán người thật việc thật bởi ông Tử Vân một phần thành danh là nhờ chinh phục được niềm tin của nhiều bạn trẻ có ý “thử thầy” bằng cách đoán đúng những lá số hóc búa do họ đưa ra, “làng Tử Vi” nên hiểu là làng Tử Vi Đài Loan thôi). Nhất là từ năm Dân Quốc 80 (dgc: tức năm 1991) ông Tử Vân trong sách “Đẩu Số luận hôn nhân” (dgc: Thực ra tên sách là “Đẩu Số luận nhân duyên”, hay là có ấn bản tựa khác chăng?) đề xuất phép Thái Tuế nhập quái và nguyên tắc tương khế, trưng ra cách giải quyết vấn đề đã tồn tại nghìn năm của khoa Tử Vi về kỹ thuật đoán mệnh, cũng là giải quyết cái khiếm khuyết của Hiện Đại Tử Vi.

Thế là Tử Vi phát triển ra phép du nhập dữ kiện. Tử Vi cải biến thành một loại xu thế, phương hướng, có thể vì dữ kiện du nhập vào mà thành khác biệt. Từ đó Tử Vi có thể phân biệt được vận mệnh khác nhau của những người sinh cùng năm tháng ngày giờ. Đây đúng là một đột phá to lớn so với mệnh lý cổ truyền.

Vì ông Tử Vân (có vai trò) quan trọng như thế, thiết nghĩ cần nói rõ về những suy luận của ông. Cơ bản thì cách xem Tử Vi của ông Tử Vân dựa trên cách xem truyền thống, lấy đó là cái sườn, rồi thêm hoàn cảnh thực tế, thống hợp cổ kim, nối kết trong ngoài với nhau. Lại áp dụng rộng rãi những yếu tố tâm sinh lý của con người. Trên đây là phần bình luận của sư đệ ông là ông Hồng Thạc Phong, mười phần xác thật.

Trước năm Dân Quốc 78 (dgc: tức trước năm 1989), ông Tử Vân qua nhà xuất bản Thiên Tướng đã xuất bản các sách “Đẩu Số dữ nhân sinh”, “Đẩu Số luận danh nhân” v.v… dẫn khởi sự chú ý; nhưng uy danh của ông đã được xác định từ lâu trong Hiện Đại Tử Vi qua ngòi bút hoa bướm của Liễu Vô cư sĩ. Năm Dân Quốc 79 (dgc: tức 1990), đang lúc thị trường cổ phiếu ở Đài Loan chuyển từ thịnh sang suy, mức đầu tư giảm sút trầm trọng, ông Tử Vân hoàn thành sách “Đẩu Số luận cầu tài”. Sách này chỉnh lại cách xem của tiền nhân, đề xuất: Phàm tiền do đầu tư hoặc đầu cơ mà có phải xem cung Phúc Đức; lại nói: Tiền kiếm được dễ dàng không tốn thể lực trí lực không xem bằng cung tài bạch. Sau đó năm Dân Quốc 80 (dgc: tức 1991) ông Tử Vân hoàn thành “Đẩu Số luận hôn nhân”. Sách này theo quan điểm của bút giả (dgc: tức người Đài Loan viết bài này, không phải ông Tử Vân, không phải dịch giả) thì về mặt triết học Tử Vi, lý luận, và kỹ thuật đoán mệnh thực tế có sự phát triển với tính đột phá chưa từng thấy. Sách này có thể coi là một đại tác trong nỗ lực hiện đại hóa của giới nghiên cứu Tử Vi. Bút giả sau đây xin trình bày những tính quan trọng của nó.

MỘT: Triết lý Tử Vi

Tử Vi căn cứ vào lúc người ta sinh ra đời, về mặt thiết kế thì nếu khác giờ mệnh vận sai biệt chẳng ít, nói cách khác cơ bản thiết kế về thời gian thì giờ sinh là chủ, sau đó an bài 12 cung để nghiên phán xu thế đời sống con người. Muốn nghiên cứu đời sống con người, làm cách nào để thêm vào yếu tố của thế giới ngoại tại tất là mối quan hoài trong việc hiện đại hóa Tử Vi.

Phép Thái Tuế nhập quái đề xuất đáp án: thêm năm sinh (địa chi âm lịch). Xét cơ bản cách này phù hợp nguyên lý của Tử Vi, nguyên tắc định vị trí bằng thời gian, còn về phép tương khế, tất ứng với tác dụng hỗ tương của “chủ thể” và “khách thể” trong Tử Vi, tức là tác dụng giữa “ta” và “người”.

Ở đây bút giả muốn thảo luận một nghi vấn nhỏ: Dùng phép Thái Tuế nhập quái đặc tính sao trong lá số có tương tựa lá số thật của đối tượng hay chăng, tại sao? Chẳng hạn: Từ lá số của ta thấy bạn gái ta là điển hình Cơ Nguyệt Đồng Lương, nhưng theo giờ sinh của bạn gái ta mà an lá số lại thấy là Tử, Phủ, Tướng v.v… sự kiện này dính líu đến tác dụng giữa chủ thể (ta) và khách thể (bạn gái ta).

Tiến bước nữa, cung vị và tính sao của Tử Vi dựa trên nguyên tắc duy tâm, bạn gái ta xuất hiện trong lá số của ta, phần lớn chỉ quan hệ đến những gì ta hiểu về bạn gái ta hoặc những gì bạn gái ta biểu hiện với ta, mà cách xét những biểu hiện hoặc quan niệm này so với bản tính thật không nhất định phù hợp. Người ta đa số tùy tình hình, như người này tính nóng bạo nhưng đối với một số người lại đặc biệt lịch sự, (những trường hợp như thế khiến) người học phải suy xét kỹ.

Tử Vi lấy duy tâm làm gốc, các cung đều phản ảnh tâm thái liên hệ, cho nên cung phu thê là tâm thái tình cảm hoặc ý muốn người phối ngẫu của mình phải như thế nào, huynh đệ là tâm thái liên hệ đến tình anh chị em, thiên di là tâm thái đối với việc giao thiệp bên ngoài, tử tức là tâm thái với chuyện con cái nhiều ít và với thế hệ sau, tài bạch là tâm thái liên hệ đến việc cầu tài phú v.v… Nhưng nói ngược lại, thiên di là tâm thái của ta đối với việc giao vãng bên ngoài, nhưng đồng thời cũng là người đời nhìn ta như thế nào; quan lộc là tâm thái của ta đối với công việc, nhưng cũng là cái nhìn của người đời về khả năng nghề nghiệp của ta, đây gọi là tác dụng chủ thể và khách thể…

HAI: Lý luận và kỹ thuật xem số

Thái Tuế nhập quái giải quyết vấn đề du nhập dữ kiện, nhưng nguyên tắc và kỹ thuật xử dụng phức tạp hơn cách xem cũ. Ngoài việc du nhập tứ hóa theo năm sinh (của đối tượng) ra, còn phải thêm đại hạn, lưu niên, bản mệnh tứ hóa (của chủ nhân lá số), xét kỹ tác dụng hỗ tương giữa các cung. Dùng lá số để xem liên hệ sinh hoạt giữa hai và có khi ba người thế này quả là đã giúp nâng cao lý luận của Tử Vi hết mực, lại còn chủ thể (ta) và khách thể (người khác), lại còn đối tượng tốt với ta hoặc ta tốt với đối tượng, lại còn ta và đối tượng cùng oán nhau, thêm tác dụng của lưu niên hóa và hạn hóa vào thì quá trình liên hệ hỗ tượng hiện rõ.

Trong quá khứ cách định khách thể không rõ ràng, thông thường là cứ theo phép mượn cung. Phép này khuyết điểm là vẫn bị cảnh cùng lá số phải xem như nhau. Ông Tử Vân đã giải tỏa được cái hạn chế này.

Phép thái tuế nhập quái không những giải được các vấn đề liên hệ đến người, mà còn giúp phân biệt sự và việc nữa. Chẳng hạn năm nay thi vào sở nghiên cứu một lúc thi ba viện, xem tốt xấu ra sao, lại biết năm thành lập của ba viện ấy, cho tứ hóa vào, nếu thấy Lộc thì vận thi tương đối tốt, nếu thấy Kị thì thực lực giảm nhiều. Cùng lý, có hai công ty cùng ngành như nhau, làm sao chọn chỗ làm tốt, có cơ phát triển? Lại cho tứ hóa vào, nguyên tắc tương đồng… Vậy là ông Tử Vân vừa lấp được chỗ đã trống lâu năm, lại giúp cho khả năng tiên đoán cũng như lý tính của khoa Tử Vi tăng cao. (Còn tiếp)

Sau một trận ba đào dữ dội (dgc: không hiểu ám chỉ gì), ông Tử Vân hoàn thành sách “Đẩu số luận sự nghiệp”, trong đó đưa cách giải tính thiên biến vạn hóa của của cung sự nghiệp (dgc: tức cung quan lộc), sau đó Dân Quốc năm 82 (dgc: tức 1993), lại một trận ba đào xô tới: Ông Tử Vân đưa ra quyển “Đẩu số luận điền trạch” (dgc: Lại nhắc đến “ba đào” lần nữa, ắt phải có một ý nghĩa nào đó, có lẽ dính líu đến thời thế). Sách này ngoài việc luận cung điền tốt xấu ra, lại đề xuất phép xem địa hình địa vật. Nói cách khác, Tử Vi có thể xem phong thủy, và quý hơn nữa là chỉ cần thêm phương vị vào phần suy luận, ngoài ra cách xem chẳng khác gì các mặt khác của Tử Vi. Sự kiện này giúp phạm vi ứng dụng của Tử Vi được mở rộng, đúng là một bước đại đột phá, cũng bổ sung cho cái khiếm khuyết về địa hình địa vật của khoa Tử Vi. Tới đây bút giả mong mỏi ông Tử Vân tận lực xuất bản “Đẩu số luận tật ách”, tôi nghĩ sách này sẽ lại khai mở một phần trời cho khoa Tử Vi (chú không rõ của ai: Đã xuất bản thêm một số sách rồi).

(Dịch giả chú: Như lời chú không rõ của ai ở trên, ông Tử Vân sau đó đã xuất bản thêm vài tựa sách, trong đó có “Đẩu Số luận tật bệnh”, “Đẩu số luận tử nữ”, “Đẩu Số luận phụ mẫu tình”, đây cũng cần nói rõ tựa đầu là “tật bệnh” mà không phải “tật ách”, vì quả quyển này chỉ luận bệnh tật, không luận tai ách. Theo chính lời của ông Tử Vân tự thuật thì quyển “Đẩu số luận tật bệnh” bán ế nhất trong các sách mà ông đã xuất bản, nhưng trong một cuộc đàm thoại, một cao thủ Đài Loan lại khen ông rằng sách này có tính đột phá học thuật cực cao, tối thiểu hơn “Đẩu số luận cầu tài” đã dẫn trên, cũng của ông Tử Vân. Mọi lời khen đều có tính cách cá nhân, nhưng có hai điểm cần chú ý về ĐSLTB: Một là trong sách này lý ngũ hành của các sao phối hợp với đông y đóng vai trò hết sức trọng yếu, hai là cách xem tật bệnh của ông Tử Vân không giới hạn trong cung tật ách, mà phối hợp hết 12 cung).

Ước chừng đồng thời một số học giả mới cũng viết sách lập thuyết, trong đó cũng có sách xem được, như “Đẩu số tân quan niệm” của Ngô Đông Tiều, “Tử Vi đẩu số đạo luận” của Trần Thế Hưng, “Đẩu số tâm lý học” của ông Phúc Canh v.v… Những sách này phần thảo luận về tính chất cơ bản của các sao và cách cục cũng có thành tựu, (có thể) coi là những sách đáng đọc của lớp học giả lên sau. Người mới học đi vào khoa Tử Vi bằng các sách này không phải lo ngại, tất sẽ có quan niệm chính xác.

Sau khi nxb Thiên Tướng đóng cửa, “Tử Vi chi lộ” (con đường Tử Vi) của Liễu Vô Cư Sĩ không tái bản được, ông bèn bỏ tâm lực ra làm việc chỉnh lý các sách cổ, (trong đó có) bình chú hiện đại hóa “Đẩu số tuyên vi” và “Tử Vi đẩu số toàn tập”. Tiếp đó ông bỏ rất nhiều công lao đề xuất hệ thống Tử Vi riêng của ông. Lúc này Liễu Vô cư sĩ đã dần dà khác biệt với thầy của ông (dgc: “thầy” đây ám chỉ ông Tử Vân). Ông đề xuất khá nhiều cách xem, chẳng hạn: bỏ Lộc Tồn, Thiên Mã và nhiều sao cấp hai khác, lại đề xuất: bỏ Quyền Khoa không xem, tứ hóa chỉ còn lại hóa Lộc và hóa Kị, ngoài ra còn đề xuất một số nguyên tắc “khoa học thực dụng tính” v.v… (Những đề xuất này) khiến ông về mặt cải cách hệ thống Tử Vi càng xa người khác, nhưng những phát triển này có giúp ích cho khoa Tử Vi hay không e phải chờ người sau phán định.

Coi Liễu Vô cư sĩ là đầu tầu phái cải cách và Tử Vân là đầu tầu phái cổ truyền thì đến nay (cả hai) đều đã có phần đóng góp cho công cuộc hiện đại hóa Tử Vi; nếu theo cái nhìn của bút giả hôm nay (dgc: Tức người viết những dòng này bằng nguyên văn Hán tự, đến giờ vẫn chưa xác định được là ai) thì phái cải cách chú trọng việc suy tư về các quan niệm, thái độ có tính phê phán; còn phái cổ truyền thì chú trọng kỹ thuật lý luận, tinh thần tập trung ở việc diễn giải (dgc: nói nôm na là phái cải cách thiên về đánh giá và xiển dương các quan điểm, tức là lý thuyết, phái truyền thống chuyên đoán các lá số có thật, tức là thực hành). Hai phái đều có sở trường, các học giả sau này cần suy nghĩ cân nhắc cho kỹ hầu quyết định phương hướng cho riêng mình. (Còn tiếp)

Những năm gần đây Tử Vi có một số sách đáng chú ý nhân đây xin giới thiệu cùng quý vị cùng với ý kiến riêng của tôi (dgc: “Tôi” tức người viết bài này, không rõ là ai, nhưng không phải là dịch giả). Trong đó các sách loại “cơ sở” nên mua trước, các sách tiến cấp tính sau.

Bình sách Tử Vi

Sách cơ sở:

Đẩu số tâm lý học: Tác giả Phúc Canh. Sách này về mặt tính sao có nhiều chỗ hay, về tâm thái (ứng với) các sao có thể nói là mười phần sinh động. Có điều cách dùng chữ hơi lủng củng, có lúc chữ không theo nghĩa, khiến người đọc có thể bỏ sót điểm quan trọng. Ngoài ra các lập luận ở đầu sách có phần cần suy nghĩ lại, chẳng nên vội tin. (dgc: Dù không có liên hệ rõ rệt nào với phái Tử Vân, ông Phúc Canh vẫn triệt để xử dụng phép “Thái Tuế nhập quái”. Đây là một trường hợp điển hình cho thấy ảnh hưởng sâu rộng của ông Tử Vân trong làng Tử Vi Đài Loan).

Đẩu số tân quan niệm: Tác giả Ngô Đông Tiều. Sách này mười phần giản lược, nhưng có cái hay là những điểm chính viết rõ ràng dễ hiểu. Phần sau các cách cục cũng có phần chỉnh lý đáng xem; coi là sách nhập môn hay. Đáng tiếc ưu điểm cũng là khuyết điểm (nhưng) nếu có khả năng tưởng tượng thì không sao. Duy phần bình chú của ông Tử Vân mười phần trọng yếu, độc giả cần xem kỹ.

Tử Vi đẩu số đạo độc: Tác giả Trần Thế Hưng. Điểm quan trọng của sách này là viết theo văn nói. Tác giả có gốc Tử Bình nên cách giải thích nhiều phần nối từ Tử Bình qua, cũng thành ra một cách (đặc thù). Trong sách phần luận tứ Hóa mười phần hoàn chỉnh, có thể dùng để tham khảo một số quy tắc của Tứ Hóa. Sách này chỉ có một khuyết điểm nhỏ là phần luận đặc tính sao cho cảm giác như gãi chưa đúng chỗ ngứa. (dgc: Ông Trần Thế Hưng cũng một thời theo học ông Tử Vân; sau –theo lời tự thuật- thì nhờ một thầy khác ông mới được “mở hai mạch nhâm đốc” nhưng có thể thấy qua các sách là cách luận mệnh của ông Hưng chịu ảnh hưởng của ông Tử Vân rất nhiều, dĩ nhiên tận dụng phép “Thái Tuế nhập quái”).

Tử Vi đẩu số chân thuyên: Tác giả Huệ Tâm Trai chủ. Sách này mười năm trước dẫn đầu trào lưu, những sách liệt kê ở trên đều thuộc hàng vãn bối. Sách này có đóng góp về tính sao. Chỉ cần cẩn thận nắm được ý trong lời ắt có kết quả tốt. Khuyết điểm là luận mệnh theo lối từng sao từng cung, (người đọc) chẳng dễ nắm bắt đặc tính các nhóm sao và cách cục.

Tử Vi đẩu số khai vận toàn tập: Tác giả Tuệ Canh thuật sĩ (dgc: Theo dữ liệu phối hợp trong các sách Tử Vi thì ông Tuệ Canh là bạn thân của Liễu Vô cư sĩ từ thuở cả hai đều chưa có tên tuổi trong làng Tử Vi. Trong thời gian này -qua Liễu Vô cư sĩ- Tuệ Canh gặp ông Tử Vân và tham dự một số buổi giảng dạy Tử Vi “dã chiến” do ông Tử Vân chủ trì nên sau người ta coi ông là một đệ tử của ông Tử Vân. Thiết nghĩ chỉ nên coi là ông chịu một phần ảnh hưởng đáng kể của ông Tử Vân thôi.) Sách này mạnh ở nội dung và ý nghĩa 12 cung, có cách xem độc đáo; phần luận tính sao cũng chẳng dở. Khuyết điểm duy nhất là tập sách chưa xuất bản toàn bộ (dgc: Đây có lẽ ý muốn nói khéo là sẽ chẳng bao giờ xuất bản toàn bộ). Riêng quyển sách này phần nói về việc lĩnh ngộ đặc tính các sao mười phần kiệt xuất. Quý độc giả không thể không đọc. Bút giả ở phần sau sẽ khai triển thêm đặc tính các sao, quý vị nhớ đọc. (dgc: Không thấy phần khai triển này. Chẳng biết vì không viết hay là đã bị người trích cắt đi).

Hôn nhân tổng luận: Tác giả Thẩm Bình Sơn. Đặc điểm của sách này là có rất nhiều lá số ly kỳ quái dị; vô cùng đáng tiếc là độ chính xác của những lá số này rất khả nghi. Nhưng mà về tính sao thì có sức tưởng tượng hết sức phong phú; có tính khai phá mở đường cho những người trong cảnh bế tắc. Nhớ kỹ: Trọng điểm của sách này là tính khai phá, chẳng phải phương pháp hoặc quy tắc. (dgc: Có lẽ chỉ là cách viết lịch sự thôi. Hẳn ý muốn nói là ông Thẩm Bình Sơn có điểm độc đáo, nhưng cần đãi lọc thật kỹ mới xử dụng được).

Tử Vỉ đẩu số giảng nghĩa (quyển 2: đặc tính các sao): Lục Bân Triệu biên soạn. Sách theo theo lời truyền thì là bí kíp của Khâm Thiên Giám. Phần luận tính các sao so với các sách cổ truyền không khác bao nhiêu. Sách này do ông Vương Đình Chi bổ chú. Ông Vương Đình Chi có bổ sung một số điểm rất đáng chú ý.

Sách tiến cấp:

Về bộ phận sách tiến cấp (thì nên) bắt đầu với “Đẩu số và nhân sinh” của ông Tử Vân và các sách khác cũng của ông Tử Vân, trong đó sách “Đẩu số luận hôn nhân” quan trọng hơn hết, giới hậu học phải cố gắng hiểu những điểm chính yếu trong sách này. (dgc: Có lẽ vì trong sách này ông Tử Vân chính thức áp dụng cách xem “Thái Tuế nhập quái” để giải quyết một số vấn đề nan giải của khoa Tử Vi).

Bảy tập “Hiện Đại Tử Vi” của Liễu Vô cư sĩ đều đáng đọc. Bộ sách này chứa nhiều quan niệm và cách suy luận của khoa Tử Vi (dgc: Đây hẳn muốn nói đến sự kiện là tập sách này ghi lại cách xem Tử Vi của rất nhiều trường phái khác nhau, kể cả các trường phái cực kỳ quái dị). Đây là sách “chuyển hình” của Tử Vi (dgc: Đây hẳn muốn ám chỉ làng Tử Vi Đài Loan), học giả không thể nào bỏ qua.

Bí kíp cổ truyền

Thập bát phi tinh xách thiên đẩu số toàn tập: Là tư liệu tham khảo duy nhất. Có thể tham khảo thêm “Chính thống phi tinh tử vi đẩu số” của ông Trần Nhạc Kỳ. Tuy nhiên “Tử Vi đẩu số toàn thư” do Trúc Lâm thư cục xuất bản cần đặc biệt thận trọng; nhất là bốn lá số đằng sau, chẳng lá số nào tin được. Học giả thận trọng là hơn hết.

Phái Tử Vân

Ông Tử Vân làm việc cho một nhà xuất bản. Trong sách “Đẩu số dữ nhân sinh” ông kể lại là ông từng có lúc hoàn toàn không tin mệnh lý. (dịch giả chú = dgc: phần tiếp đây có lẽ là giai thoại vì không hề thấy ông Tử Vân nhắc đến trong các sách của ông). Sau một lần ông đi theo một đồng nghiệp có vợ sẽ sinh con năm sau đến nhờ thầy của ông là thầy Hà xem số (dgc: Câu này dễ gây hiểu lầm, vì theo sách đã dẫn cho đến lúc này ông Tử Vân chưa từng gặp thầy Hà, bảo là “thầy tương lai” thì chính xác hơn). Thầy Hà dựa vào lá số mà dự đoán hoàn cảnh sinh sản của vợ chủ nhân lá số năm sau, rằng vì bị gan nóng mà phải tiếp máu, vân vân… Năm sau ông tự chứng kiến thấy kết quả y như vậy.

Khi ông Tử Vân theo thầy Hà học Tử Vi, thì cũng có 3 bạn cùng học trong lớp đêm ấy, nghe thầy Hà giảng các kiến thức cơ sở về các sao Tử Vi (dgc: Phối hợp những mẩu chuyện rời mà ông Tử Vân tự kể trong “Đẩu số dữ nhân sinh” thì các buổi học đều vào ban đêm, lúc đầu có 5 bạn cùng lớp, sau chẳng hiểu sao chỉ còn 3, hai nam mà ông gọi là “sư đệ” một thành công sớm nhưng chết sớm, một di cư sang Hoa Kỳ rồi phát triển thành công, một nữ mà ông gọi là “sư tỷ” là người duy nhất không hút thuốc trong lớp học).

Sau đó ông Tử Vân bôn ba nam bắc Đài Loan, nơi nơi tìm cao thủ mệnh lý, rồi trong diễn trình ấy tìm, hiểu ra những yếu quyết của Tử Vi. Vì nghiên cứu Tử Vi mà ông Tử Vân đã học thêm nhiều môn khác liên hệ đến tử vi, như tâm lý học, đông y v.v… Vì ông giải số cho nhiều bạn bè khi họ có vấn đề cần giải quyết, tiếng tăm của ông lan dần, nhưng vì ông không nói rõ với những người thân ông là thầy Tử Vân, thầy Tử Vân là ông, nên nhiều người nhờ xem số không biết ông là thầy Tử Vân. Sau, trong thập niên 70 hoặc 80 (chú nguyên thủy: nhớ không rõ. Dgc: ‘thập niên 70 hoặc 80’ là theo lịch Trung Hoa dân quốc, bắt đầu từ các năm 1981, 1991), ông bắt đầu viết sách, tiết lộ nhiều bí quyết mà ông đã ngộ ra. Ông đã lập chí viết một quyển sách cho mỗi cung. Hiện nay ông đã viết hơn 10 quyển sách, nhưng có lẽ (sẽ) không viết đủ hết 12 cung (dgc: Năm nay 2010 vẫn còn cung huynh đệ chưa thấy viết đến, hai cung phúc và nô thì chỉ được nhắc thoáng qua lần lượt trong hai quyển “Đẩu số luận cầu tài” và “Đẩu số luận nhân tế quan hệ”, có lẽ sẽ chẳng bao giờ có sách riêng).

Ông Tử Vân qua 30, 40 năm nghiên cứu, ngộ ra các lý: Tam đại luận, Thái Tuế nhập quái, cung Thái Tuế v.v… Sách của ông chứa đầy dẫy các lá số có thực. Hiện nay ông Tử Vân một mặt viết sách, một mặt mở quán xem Tử Vi, một mặt mở lớp dạy miễn phí, đồng thời cũng có các đệ tử riêng (dgc: Nhờ đoạn này ta biết bài này được viết sau khi ông Tử Vân nghỉ hưu, vì theo lời ông tự thuật thì sau khi về hưu được người ta giúp mở quán mệnh lý ở Đài Bắc).

… Người ta bảo ông là thầy đứng sau chỉ đạo Liễu Vô cư sĩ. Bắt đầu bằng cách luận lá số thật rồi sau đưa ra lý luận mới, là đặc tính của sách “Đẩu số luận danh nhân” luận 3 nhân vật Thái Vạn Xuân, Thái Thần Châu và Thái Thần Nam (dgc: Sách này được nhắc tới có lẽ vì là sách đầu của ông Tử Vân, nay đã tuyệt bản, dịch giả cũng chỉ nghe nói qua mà chưa từng được đọc. Tuy nhiên, theo các tài liệu thì sách này viết về ba nhân vật ly kỳ là tay cự phú Đài Loan là ông Thái Vạn Xuân và hai người con trai của ông. Ông Vạn Xuân từ hai bàn tay trắng tạo nên sự nghiệp vĩ đại, nhưng tuổi già bị tai biến mạch máu não nằm liệt giường trong khi tài sản của ông bị tiêu tan trong tay hai người con trai lớn; ông Thần Châu thừa hưởng một phần tài sản đáng kể của cha, lại đắc cử vào quốc hội, một thời oanh liệt nhưng rồi chỉ vài năm bị tù và chết trong đó; ông Thần Nam cũng thừa hưởng một phần tài sản đáng kể của cha, khuếch trương vĩ đại thêm, rồi trong một thoáng giây mất hết tất cả…)

Tác phẩm có “Tùng đẩu số đàm phụ mẫu tình” (luận tình cha mẹ theo Tử Vi), “Đẩu số luận mệnh”, “Đẩu số luận tử nữ”, “Đẩu số khán nhân tế quan hệ”, “Đẩu số luận điền trạch”, “Đẩu số luận cầu tài”, “Đẩu số luận nhân duyên”, “Đẩu số dữ nhân sinh” (Tử Vi và đời sống), “Đẩu số luận danh nhân”, “Đẩu số luận sự nghiệp” v.v… (dgc: Ngoài ra còn có “Đẩu số luận tật bệnh”).

Quan điểm Thái Tuế nhập quái:

Đối tượng nhập quái phải có liên hệ mật thiết với người được xem số. Liên hệ càng mật thiết thì tính cát hung của việc nhập quái càng chính xác. Chẳng hạn người làm ăn chung tín hiệu rõ ràng hơn người thuần túy là bạn bè thôi. Sinh cùng năm, nếu hai người có góc cạnh liên hệ khác nhau thì cung nền khác nhau, cát hung tự nhiên cũng khác. Chẳng hạn một người là cấp trên, một người là cha hoặc mẹ ta tất cung nền một là thiên di, một là phụ mẫu. Cùng năm sinh, góc độ liên hệ cũng giống, thí dụ hai người bạn tốt cùng năm sinh giả như phái tính khác nhau thì cát hung cũng khác nhau. Phương pháp là dùng nam bắc đẩu mà phân biệt (nam đẩu ứng nam, bắc đẩu ứng nữ). Nếu cùng năm, cùng phái tính tất cát hung ứng nghiệm rõ hơn trên người mà chủ nhân lá số có ấn tượng mạnh hơn (thích hơn chẳng hạn). Nếu cùng thích hai người như nhau thì cát hung dựa theo xuất hiện trước sau mà khác nhau (dùng năm, tháng, ngày v.v… mà định). Cung nhập quái là bắc đẩu thì cát hung ứng người trước, nam đẩu thì ứng người sau. Hai người cùng thích như nhau, xuất hiện cùng lúc, thì theo cá tính mà phân biệt, nếu cung nhập quái là bắc đẩu thì cát hung ứng người cá tính tương đối cương cường (tương đối có cá tính hoặc tương đối tích cực). Ngược lại thì… Giả thiết trường hợp khó xảy ra là các yếu tố kể trên đều giống nhau cả chúng tôi cũng có cách phân biệt, chỉ là môn qui đã định phải bảo lưu. Nếu có hứng thú xin chú ý các lớp học của thầy Tử Vân (ở Sáng Kiến Đường, Đài Bắc hoặc Tân Tâm Linh Đường Học Uyển, Đài Trung).

Phụ chú: Liễu Vô cư sĩ

… là nhân vật đại biểu phái hiện đại, một phái thuộc hàng chính trực của làng Tử Vi. Phản đối chủ trương “Tử Bình hợp tham”, đề xướng “Tử Bình quy về Tử Bình, Tử Vi quy về Tử Vi”, không cho thần sát, quan sát… xâm nhập vào Tử Vi (dgc: Ý nói là bỏ hết các sao thần sát). Hết sức hứng thú với lô gích, trước tác phong phú, tính ra có “Hiện đại Tử Vi” tập 1 đến tập 7, “Đương Trần Hi Di ngộ Đổng Mộ Tiết – Thiết Bảng – Đẩu Số – Tham”, “Tử Vi chi lộ: Yên hoa truyền kỳ”, “Tử Vi chi lộ: Uyên ương truyền kỳ” vân vân… (dgc: Đó là chưa kể các tựa Tử Vi “Đẩu Số luận mệnh bất cầu nhân”, “Tinh không xán lạn”, “Minh thiên tha môn hội tác tạp ma”, Tử Bình “Hiện đại nhân đích bát tự”, “Tử Bình chân thuyên hiện đại bình chú” và sách tính danh học…) Được Ngô Hoài Vân gọi là “vệ sĩ của giới mệnh lý”… sách của ông có tính dễ đọc, hiện thật…

“Hiện đại Tử Vi” cộng gồm 7 tập, thời gian xuất bản từ tháng 4 năm 74 đến tháng 6 năm 76 (dgc: tức tháng 4, 1985 đến tháng 6, 1987), khoảng 3 tháng một kỳ. Sau cùng vì Liễu Vô cư sĩ cảm thấy quá mệt mỏi mà kêu đình bản. Tập này về rất nhiều phương diện có những kiến giải hoặc vượt quá tiền nhân hoặc khuếch đại phạm vi của khoa Tử Vi. Về mặt kỹ xảo (dgc: tức cách xem số) cũng như suy luận đều có những cống hiến trọng đại… Tập này bao hàm rất nhiều cách suy luận, chẳng phải chỉ là hệ thống suy luận thuần túy của một người, trong đó có: GS Hứa Hưng Trí (dgc: Tiến sĩ dược, giáo sư đại học ngành dược và là một khoa học gia chủ yếu của Đài Loan), Tuệ Canh thuật sĩ (dgc: theo lời tự thuật thì tốt nghiệp luật nhưng bỏ sang nghiên cứu mệnh lý, vì quen biết Liễu Vô cư sĩ nên cũng có duyên theo học Tử Vi với ông Tử Vân một thời gian, nhưng lúc ấy tài nghệ đã cao rồi nên học đây có tính tham khảo mà thôi, tư tưởng vẫn có nhiều độc lập, thiết tưởng chẳng nên coi là đệ tử của ông Tử Vân), Lạc Đà Sinh, thầy Quách, Thái Quân Siêu, Phổ Giang Đăng Chi, Nam Ngư, Phi Vân cư sĩ v.v… có thể gọi là sáng tác tập thể!

Giới thiệu các sách Tử Vi của ông Tử Vân

Phóng mắt nhìn những sách Tử Vi thấy bày trong tiệm, một loại chủ yếu là giải thích tính sao, nhưng chỉ cần mở xem vài quyển là phát hiện nội dung đại đồng tiểu dị, nếu bảo văn chương thiên hạ sao lại nhau cũng chẳng phải là nói quá. Một loại khác là sách giải số “sống” (hoạt bàn), loại này tương đối không dễ kiếm. Theo cái nhìn cá nhân của tôi, giải số sống là một thách đố to lớn của người học Tử Vi, đây cũng là lãnh vực rất nhiều người học Tử Vi tốn bao tâm huyết mà vẫn không đạt nổi kết quả mong muốn. Tuy rằng mặt này người xưa có giấy mực truyền lại, song một là bài vở không nhiều, hai là đa số tiến hành theo phương thức “án đồ sách kí” (dgc: ý nói là có tính công thức, không có lý luận), hết sức cứng ngắc, chẳng có gì để gọi là giải số “sống”. Thành thử các trước tác của ông Tử Vân về mặt này có một chỗ đứng đặc biệt. Nhân năm nay Dân quốc 88 (dgc: tức 1999) cuối tháng 3 “Đẩu số luận tử nữ” là sách thứ mười của ông được xuất bản, tưởng cũng nên quay đầu nhìn lại.

Dưới đây tôi trước hết liệt kê giản lược các sách của ông Tử Vân rồi sau đó sẽ đề cập điểm chính và nét đặc sắc của từng quyển một.

  1. Tùng đẩu số khán nhân sinh, Thời Báo, bản sửa chữa năm 82 (dgc: tức 1993).
  2. Đẩu số luận danh nhân, Thiên Tướng, in lần đầu năm 77 (dgc: tức 1988).
  3. Đẩu số luận mệnh, Thời Báo, in lần đầu năm 78 (dgc: tức 1989).
  4. Đẩu số luận cầu tài, Thời Báo, in lần đầu năm 79 (dgc: tức 1990).
  5. Đẩu số luận nhân duyên, Thời Báo, in lần đầu năm 80 (dgc: tức 1991).
  6. Đẩu số luận sự nghiệp, Thời Báo, in lần đầu năm 81 (dgc: tức 1992).
  7. Đẩu số luận điền trạch, Thời Báo, in lần đầu năm 82 (dgc: tức 1993).
  8. Đẩu số khán nhân tế quan hệ, Thời Báo, in lần đầu năm 83 (dgc: tức 1994).
  9. Đẩu số luận tật bệnh, Thời Báo, in lần đầu năm 85 (dgc: tức 1996).
  10. Đẩu số luận tử nữ, Thời Báo, in lần đầu năm 88 (dgc: tức 1999).

1) Tùng đẩu số khán nhân sinh

Sách này nguyên do Thiên Tướng xuất bản, sau này tái bản đổi thành tựa hiện hành là “Đẩu số dữ nhân sinh” (Tử Vi và nhân sinh). Sách này chủ yếu cho biết tác giả đứng ở chỗ nào và có chủ trương gì trong Tử Vi. Quan trọng nhất là không tán thành cách luận mệnh truyền thống “đoán như đinh đóng cột” mà đề xướng phép luận mệnh “chẩn đoán”, lại đề xuất chủ trương “sự thật đã phát sinh tất có dấu hiệu mệnh lý, nhưng có dấu hiệu mệnh lý chưa chắc có sự thật đối ứng phát sinh”. Ngoài ra giới thiệu giản lược diễn trình học mệnh lý và kinh nghiệm của tác giả. Bộ phận này nhắm thẳng vào giới Tử Vi hậu học, trong đó nói đến ảnh hưởng của kinh nghiệm sống đối với mệnh lý. Theo quan điểm của tôi, tất cả những độc giả thích đọc sách Tử Vân đều phải đọc kỹ sách này. Sau khi bạn hiểu rõ cái bối cảnh và suy tư của tác giả rồi nếu vẫn thấy đồng ý với ông thì những sách còn lại tham khảo mới thấy giá trị.

2) Đẩu số luận danh nhân

Sách này cũng xuất hiện rất sớm, đến nay ước đã mười năm, đã tuyệt bản, các tiệm sách trên phố cũng rất khó kiếm thấy. Sách chủ yếu viết về sự nghiệp lên xuống của ba ông Thái Vạn Xuân, Thái Thần Nam và Thái Thần Châu. Cách kiếm tiền (của ba vị này) hết sức phong phú, mà lời giải thích cũng hết sức tường tận. Xét cơ bản thì sách này phân tích theo phép truyền thống, nhưng cũng đề xuất chẳng ít kỹ thuật phân tích hoạt bàn (lá số sống). Bao quát phép “sao hóa dẫn động liên tục”, “cung trọng điểm”, “duyên khởi duyên diệt”, thậm chí cả “Thái Tuế nhập quái” cũng được mơ hồ nhắc tới. Sách này viết theo phương thức chủ yếu là đã phát sinh sự thật thì phải dùng mệnh lý diễn giải như thế nào, cho nên nhiều kỹ thuật không được đặc biệt nhấn mạnh hoặc viết rõ, điểm này khác xa với những sách về sau. Ngoài ra, sách này vì gồm quá nhiều chi tiết nên chẳng dễ gì đọc hết, hoặc đọc được nửa sách là đã nhức mắt rồi, e phải có rất nhiều kiên nhẫn và nghị lực mới mong đọc hết được. Thế nhưng vẫn được cái là sách này đối với những sách về sau không gây chướng ngại quá lớn. (dgc: Câu cuối tối nghĩa, có lẽ muốn nói là sách này có tính độc lập, đọc nó mà không hiểu hoặc bỏ ngang vẫn có thể hiểu các sách sau).

3) Đẩu số luận mệnh

Mệnh lý là một công cụ rất tốt của đời sống, sách này luận những vấn đề tương đối thường thấy như hôn nhân, sự nghiệp v.v… trong đó cũng đề cập vấn đề lịch pháp và thuật số, tỷ như cách xem tháng nhuận. Tác giả chủ trương tháng nhuận dùng tháng thường mà xem là được, không cần xem nửa tháng sau là tháng kế tiếp. Theo kinh nghiệm xem tháng nhuận của tôi (dgc: tức người viết bài này, không phải ông Tử Vân hoặc dịch giả) thì cách xem này chẳng sai. (dgc: Viết thế e hơi thiếu sót. Thực ra trong sách này ông Tử Vân đề nghị là gặp tháng nhuận thì coi như tháng thường, nhưng vẫn lấy thêm lá tháng kế tiếp để phòng hờ; tức là coi tháng thường là chính, nhưng vẫn có trường hợp phải dùng tháng kế tiếp mới đúng. Lá số thí dụ trong sách này là người sinh nửa sau tháng 8 nhuận, kiểm chứng bằng các dữ kiện đã xảy ra thấy lấy theo tháng 8 đúng, lấy theo tháng 9 sai). Các bài luận số trong sách này thuộc loại đoản thiên, chỉ luận một chuyện, cho nên đọc tương đối dễ; dễ hơn “Đẩu số luận danh nhân” rất nhiều.

Từ sách này trở đi, cách viết của tác giả chủ yếu là đoản thiên. Xét cơ bản sách này có thể gọi là dao trâu chém nhẹ (dgc: Thành ngữ, ý nói cố ý giữ lại chưa phát huy hết công lực), không có đóng góp lớn cho học thuật, nhưng vì tương đối giản dị, có thể coi là một sách luyện xem số sống.

4) Đẩu số luận cầu tài

Tác giả đã phát tâm nguyện viết một quyển sách cho mỗi cung cho đến khi hết 12 cung, sách này coi là đoạn đầu. Tại sao viết sách này đầu tiên thì có thể vì liên hệ đến thị trường cổ phiếu nóng bỏng lúc ấy. Người ta thường cho rằng, muốn kiếm tiền thì phải xem cung tài là chủ. Nhưng tác giả đề xuất: Tiền do công khó làm ra mới coi cung tài là chủ. Nếu động sản do cá nhân quản lý tài sản, hoặc do đầu tư thậm chí đầu cơ mà ra thì phải xem cung phúc là chủ. Nếu đầu tư bất động sản mong kiếm tiền bằng giá sai biệt tất phải coi cung điền là chủ. Đương nhiên, mọi việc đều phải coi hai cung mệnh thân là chủ, rồi phối hợp với cung liên hệ mới có thể căn cứ mà đoán cát hung.

Điểm quan trọng khác của sách này là đề xuất quan niệm “cung trọng điểm”, cũng gọi là kỹ thuật “định cung vị”. Quan niệm và kỹ thuật này kỳ thật hết sức trọng yếu, nhưng tựa hồ không được biết đến nhiều bằng phép “Thái Tuế nhập quái” sau này, thành thử tính trọng yếu của nó không được đặt đúng mức.

Cơ bản nhất của Tử Vi gồm có ba tầng kết cấu là bản mệnh, đại hạn, lưu niên, cứ lấy cung Phúc mà tham chiếu (dgc: Hẳn ý muốn nói có ba tầng kết cấu của Phúc là bản mệnh Phúc, đại hạn Phúc, và lưu niên Phúc); nhưng phải coi cung nào là chủ? Lúc này cần khái niệm “cung trọng điểm”, bằng không rất khó phán đoán cát hung. Cuối cùng cần nói là khái niệm “định cung vị” không phải chỉ có thể dùng cho việc đoán tiền tài, mà rất nhiều sự việc khác cũng dùng được phương pháp ấy.

5) Đẩu số luận nhân duyên

Giả sử cần đề cử một trước tác làm bảng hiệu cho sự phát triển của khoa Tử Vi thì “Đẩu Số luận nhân duyên” có thể đóng trọn vai trò mà không hổ thẹn. Cố nhiên trong rất nhiều sự thành bại ta đóng một vai trò quan trọng, nhưng người kia cũng có phần quyết định sự thành bại đó. Nói cách khác tính “khác biệt cá nhân” đóng một vai trò quan trọng trong các trường hợp cùng lá số khác vận mệnh. Như xem hôn nhân, một đoạn nhân duyên thành công hay không, đối tượng tìm thấy là yếu tố không thể nào bỏ sót được. Dùng biện pháp “khác biệt cá nhân” để tìm sự thật là đề xuất của tác giả, gọi là phép “Thái Tuế nhập quái” hoặc “Thái Tuế nhập cung”. Phép này chẳng phải chỉ giới hạn cho hôn nhân, mà chỉ cần có tương quan nhân tế lợi hại là có thể áp dụng để phán đoán thêm chính xác. Thêm dữ kiện để đoán chính xác hơn là một ưu điểm của Tử Vi so với các môn khác, nhưng phép “Thái Tuế nhập quái” rất khó khăn, chẳng phải dễ như trong sách đề cập, chẳng phải như tác giả nói “chẳng qua chỉ là thế đầu tay” mà thôi, và vì vậy mà đã bị lạm dụng nghiêm trọng.

Khởi đầu, cách xem của tác giả được hâm mộ nhất là phép “sao hóa liên tục dẫn động” còn gọi là “tam đại luận”, nhưng sau khi phép “thái tuế nhập quái” được đề xuất thì biến thành tuyệt kỹ có tính chiêu bài, bị rất nhiều tác giả Tử Vi có sách ra hiện thời dẫn dụng, khiến các quan niệm hoặc kỹ xảo khác tựa hồ bị đẩy vào lãnh cung (dgc: thành ngữ, ý nói không được dùng nữa). Sự thật thì luận Tử Vi là công trình trọng đại, phải phối hợp rất nhiều những phương pháp khác mới mong luận đoán chính xác, chỉ dựa vào một kỹ thuật mà đoán thì kết quả sẽ sai lệch nghiêm trọng. Nhớ kỹ, nhớ kỹ!

6) Đẩu số luận sự nghiệp (Tử Vi luận sự nghiệp)

Người xem số hỏi nhiều nhất về sự nghiệp, tiền tài, và tình duyên. Nhưng dùng Tử Vi luận sự nghiệp kỳ thật rất khó, bởi ngoài kỹ xảo xem hoạt bàn ra, kinh nghiệm sống (của người luận số) cũng quan trọng vô cùng. Các độc giả xem qua sách này tất phát hiện rằng tác giả rất thực tế, lại miêu thuật tượng tốt tượng xấu của các trạng huống thực tế rất tường tận, chẳng hạn đối với một người làm chủ thì tượng tốt có thể cho biết làm xuất cảng thì phù hợp, nhưng nhập cảng thì không; tượng xấu có thể ứng với việc sản xuất mà không ứng với việc nghiên cứu (dgc: tức làm sản xuất thì xấu, mà làm nghiên cứu thì không xấu). Với một người đi làm, tượng xấu có thể ứng với công việc rắc rối đa đoan mà không phải là công việc kém v.v… chẳng phải chỉ ban một chữ “cát” hoặc “hung” như cách xem truyền thống. Muốn tìm cát tránh hung nhất định cần biết cát là cát thế nào, hung là hung ra sao thì mới dùng đúng thuốc đúng chỗ, chỉ nói cát hung không thôi thì chẳng thể làm được.

Ngoài ra, sách này đề xuất nhiều lá số “duyên khởi duyên diệt”. Thế nào là “duyên khởi duyên diệt”? Thưa, ý đây là khởi thủy của một sự kiện trồng “nhân” thì cái “quả” ngày sau ắt phải có ảnh hưởng (dgc: hẳn muốn ám chỉ cái “quả” của cái nhân đó). Xét trên mặt kỹ thuật mà nói, tượng hung của lúc duyên khởi tỷ như hóa Kị (cùng với Kình Đà), nếu ngày sau hành vận lại có tượng hung và lực hỗ ứng, thì tượng hung nặng thêm, cho nên lúc ấy sự kiện chấm dứt. Đương nhiên, nếu tượng tốt lúc duyên khởi cùng với tượng tốt về sau hình thành thế hỗ ứng, thì tượng tốt được tăng cường. Phép này kỳ thật tác giả viết không tường tận, cũng không cứng ngắc mà chứa nhiều tính linh hoạt, độc giả nếu xem không hiểu lắm có thể đọc vài lần thì hiểu được.

7) Đẩu số luận điền trạch

Đương nhiên, sách này chủ yếu thảo luận cung điền trạch. Chủ đề được thảo luận rất trọng yếu, cũng rất thực dụng, chủ yếu bao quát cá nhân thích mua nhà để ở hay muốn làm kẻ ở nhà thuê, có được kế thừa tổ sản không, đầu tư địa ốc có kiếm được tiền không, cùng với việc vận dụng phương vị trong Tử Vi. Trong đó khó nhất là vấn đề phương vị, cũng là vấn đề kham dư của Tử Vi, bởi vì ngoài việc xem xét trắc lượng thực tế, phòng ốc ngày nay không quy củ như xưa, mà thường có hình thể quái dị, thậm chí từ ngoài nhìn thấy có hai cửa lớn hoặc nhiều hơn (như ngũ giác đài của nước Mỹ) hoặc không có cửa lớn (như tòa lầu… vừa bị cháy, tầng một không có cửa, mà vào lầu hai từ một tòa lầu khác); những hoàn cảnh này phải có rất nhiều kinh nghiệm mới mong phán đoán hợp lý. Ngoài ra, tác giả cũng nhắc lại quan niệm và phép luận dùng “cung trọng điểm”, lại đưa thí dụ để giảng giải trong vài lá số, cho thấy quan niệm và kỹ xảo này hết sức trọng yếu, không thể bỏ sót được.

8) Đẩu số khán nhân tế quan hệ

Sách này chủ yếu nói về ý nghĩa và cách luận hai cung thiên di và nô bộc. Theo cách xem của tác giả, thiên di chủ yếu là quan hệ với người trên và đồng đẳng, tỷ như cấp trên trực tiếp, người làm chung hoặc người cộng tác; còn nô bộc thì đại biểu người dưới mình, cũng là người mà mình có thể ảnh hưởng. Cho nên không nên lấy cung nô bộc đổi thành “cung bạn bè” (dgc: nhiều sách Đài Loan gọi cung nô bộc là “giao bằng cung” và dùng để xem liên hệ bạn bè cũng như các người cộng tác trong việc làm ăn; đây tác giả muốn nói rằng ông Tử Vân phản đối quan điểm ấy) kẻo luận theo lý ra không đúng sự thật. Ngoài ra, với phép “Thái Tuế nhập quái” lại giải thích rõ ràng thêm một bước nữa. Nghĩa là, đối tượng được “nhập quái” trừ thiên can năm sinh ra, thiên can của cung có địa chi cũng có tác dụng, cần thêm vào mà suy nghĩ (dgc: Giả như xem số người sinh năm Quý Dậu, muốn biết làm ăn với người sinh năm Giáp Tuất có được không thì theo phép Thái Tuế nhập quái đầu tiên phải xét xem can Giáp ảnh hưởng lá số thế nào, kế đó xem cung Tuất có can gì thì can ấy cũng có ảnh hưởng, đây bởi vì người được xem số sinh năm Quý Dậu nên cung Tuất mang can Nhâm; do đó khi xét ảnh hưởng của người sinh năm Giáp Tuất phải xét ảnh hưởng của hai can Giáp và Nhâm trên lá số). Đương nhiên, tác giả cũng không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng muốn xem bất cứ chuyện gì cũng đều không thể bỏ sót hai cung mệnh thân… Thiên di tốt chỉ là nhận được ảnh hưởng tốt (liên hệ đến di) mà không đủ để luận là tốt. Trong sách có lá số của vài nhân vật chính trị thời đại tỷ như Lý Đăng Huy, Hác Bách Thôn, có thể khác với (các lá số được) các tác giả Tử Vi khác đề nghị, độc giả có thể tham khảo so sánh xem sao.

9. Đẩu số luận tật bệnh

Nói chung chung, đại khái độc giả ít thích xem nhất là sách bàn về tật bệnh này (dgc: Hẳn ý giới hạn trong các sách của ông Tử Vân). Bởi vì đề tài tật bệnh là cái mà tất cả chúng ta đều quan tâm nhưng lại không hứng thú bàn thảo. Cũng bởi vì ngoài kỹ thuật mệnh lý ra, nó lại còn đòi hỏi kiến thức y khoa, nhất là trung y. Sơn, Y, Mệnh, Bốc, Tướng (dgc: “sơn” ám chỉ phong thủy, địa lý) là 5 thuật truyền thống của Trung hoa, mỗi thứ đều có phạm vi học vấn chuyên tinh mênh mông. Một người học một môn đã chẳng rõ hiểu biết được bao nhiêu, hà huống phối hợp học một lúc hai môn?

Cách xem tật bệnh truyền thống là phối hợp các cung mệnh thân và tật lại để đoán xem người ta sẽ bị bệnh gì. Nhưng tác giả cho rằng cung tật chỉ đại biểu lực đề kháng bệnh tật của cá nhân, còn người ta bị bệnh tật gì thì 12 cung đều có thể sinh ra cả. Ngoài ra, lại phải phối hợp tư liệu của cha mẹ vào mới có thể đoán một cá nhân có thể phát sinh bệnh gì, ấy bởi vì mỗi cá nhân đều do cha mẹ sinh ra, bản chất chịu ảnh hưởng di truyền của cha mẹ. Đây cũng là phương pháp giải quyết vấn đề những người sinh cùng giờ không nhất thiết có cùng bệnh tật. Tác giả cũng cho rằng luận tật bệnh bằng Tử Vi là một loại “y học dự phòng” mà không phải là thay bác sĩ, nhất là về những bệnh phát chậm, bằng không thì có thể rất mực sai lầm.

Sách này mặc dù chủ đề rất khô khan, nhưng quan niệm thì hết sức quan trọng. Cách xem “đả phá 12 cung vị” cũng là “điên đảo” so với cách xem thông thường của Tử Vi truyền thống. Suy thêm, luận các cung khác cũng như vậy, chẳng phải giản dị là muốn xét sự nghiệp thì xem cung sự nghiệp, xem cổ phiếu thì chỉ xem phúc đức v.v… là được. (dgc: Người viết nhắc đến cổ phiếu và cung phúc ở đây ắt hẳn vì ông Tử Vân trong sách “Đẩu số luận cầu tài” đã dẫn trên cho rằng muốn luận cổ phiếu ăn thua phải chú trọng cung phúc đức thay vì là cung tài bạch). Ngoài thì xem nhiệt náo, trong thì xem đường lối (dgc: Đoạn này nguyên văn là “ngoại hàng đích khán nhiệt náo, nội hàng đích khán môn đạo”, không rõ nghĩa gì và dính líu với bài văn ra sao, đây chỉ là dịch cho có mà thôi, tuy nhiên có lẽ không quan trọng lắm). Trọng điểm của sách này chẳng phải là xem tật bệnh đích xác so bì với quang tuyến X, máy siêu âm v.v…, mà là từ quan niệm “đả phá 12 cung” phát ra.

10) Đẩu số luận tử nữ

“Đẩu số luận tử nữ” vừa xuất bản không lâu đến nay mới hơn kém một tháng (dgc: đây là tính theo thời điểm bài này được viết, không phải lúc bản dịch ra đời). Sách này độ khó so với các sách trước cao hơn hẳn, cho nên chẳng phải là sách cho người mới học. Sự thật là các sách của tác giả có xu thế là mỗi quyển đều khó hơn các quyển trước, cho nên cách hay nhất là đọc theo thứ tự, bằng không có thể không “tiêu hóa” nổi. Nói về sách này thì đa phần là áp dụng phép “Thái Tuế nhập quái”, bao gồm thêm tư liệu của cha mẹ để xét thể chất và sinh sản thuận lợi hay không (dgc: cho nữ mệnh), thêm tư liệu của người phối ngẫu và con cái để phân biệt xem có thụ thai được không và con cái sức khỏe thế nào, có thể sinh trưởng thuận lợi không. Tối hậu, lại xem cả vấn đề con cái kế thừa sự nghiệp của cha mẹ. Mặt này, so với sách “Đẩu số khán nhân tế quan hệ” có chỗ tương tự, các độc giả có thể so sánh những điểm khác và giống của hai sách này.

Những kỹ thuật kể trên xem qua tưởng là cũ (dgc: “Cũ” đây là đối với các độc giả đã đọc các sách đã xuất bản trước đó của ông Tử Vân thôi, chứ dĩ nhiên mới lạ nếu không muốn nói là “kỳ lạ” đối với các độc giả khác), nhưng trên thực tế có nhiều tiểu tiết cần giải quyết, bằng không sau khi du nhập bấy nhiêu tư liệu vào thì tự mình theo mình mà đoán, hoặc lập lại cách xem đã biết, ấy bởi vì du nhập những tư liệu ấy xong thì tượng hung tượng cát đều chất đống, muốn viên tròn theo kiểu nào cũng được (dgc: Đây hẳn muốn nói cái nguy của việc có quá nhiều dữ kiện mà không phối hợp một cách hệ thống được, khi ấy có khuynh hướng tùy cảm tính mà đoán, rồi biện minh bằng cách chọn lựa những tượng cát tượng hung phù hợp với cách đoán của mình, mà bỏ những tượng còn lại. Đây thật ra là một vấn đề quen thuộc của khoa Tử Vi.)

Một điểm quan trọng khác của sách này, trái ngược với các trước tác truyền thống, là đề xuất “cung Thái Tuế” của người được xem số. Tác giả cho rằng, hai cung mệnh thân là “biểu” (dgc: bề ngoài), cung Thái Tuế là “lý” (dgc: bề trong), tác phong hành sự của một cá nhân rất nhiều khi không biểu hiện ở hai cung mệnh thân, phản lại biểu hiện ở cung Thái Tuế. Nếu phối hợp với với quan niệm “đả phá 12 cung” trong “Đẩu Số luận tật bệnh” thì kỳ thật cả 12 cung đều chứa cá tính của con người, (những cá tính) đoán không ra hoặc xem không thấy (tụ) ở cung Thái Tuế. Cứ theo Vương Vân Phong (dgc: Theo lời tác giả tự thuật rải rác trong các sách thì có thể đoán Vương Vân Phong là một kiện tướng của phái Tử Vân, cùng làm thầy trong phòng coi bói mà ông Tử Vân mở ra sau khi về hưu công việc chính thức) viết trong phần giới thiệu thì cung Thái Tuế là một trong những quan niệm nhập môn tâm đắc của tác giả (dgc: tác giả đây là ông Tử Vân), cái lý cũng rất lớn, đợi ngày sau tác giả sẽ công bố (dgc: đến nay là năm 2010 vẫn chưa thấy công bố, tuy nhiên ý tưởng chính là: Cung Thái Tuế là mặt ẩn của con người, trong một số trường hợp đặc biệt có thể quan trọng hơn mặt hiện của hai cung mệnh thân).

(Chép lại từ trang tuvilyso.org)

Trusted by some of the biggest brands

spaces-logo-white
next-logo-white
hemisferio-logo-white
digitalbox-logo-white
cglobal-logo-white
abstract-logo-white
white-logo-glyph

We’re Waiting To Help You

Get in touch with us today and let’s start transforming your business from the ground up.