CỰ MÔN

(VƯƠNG ĐÌNH CHI ĐÀM TINH)

(Dịch và bình chú: Hà Phong)

Tử Vi đẩu số coi Cự Môn là ám diệu. Có nhiều người hiểu nhầm ý của khái niệm “ám diệu”, họ cho rằng là muốn nói Cự Môn tự bản thân nó không có ánh sáng (巨门本身无光).

Trên thực tế thì tuyệt không phải như vậy. Đặc tính ám diệu của Cự Môn, là do sao này giỏi (善) che lấp (遮蔽) ánh sáng của các sao khác, cho nên cuối cùng thì ám-diệu trở thành tên gọi của Cự Môn, có thể hiểu Cự Môn là chướng ngại vật to lớn.

Trên thế gian này bất kì chướng ngại vật nào cũng đều không thể ngăn trở ánh sáng mặt trời (阳光), cho nên chỉ có Thái Dương là không ngại Cự Môn. Nhưng Thái Dương cần nhập miếu thì quang huy của nó mới có thể không e ngại/chiếu sáng Cự Môn.

“Tử Vi đẩu số toàn thư” nhận định rằng, Cự Môn hội Thái Dương tất bán hung bán cát, tức là nói rằng Cự Môn ưa thích gặp Thái Dương có quang huy. Chứ tuyệt không phải là Cự Môn không có ánh sáng (Hà Phong: 光- quang: có lẽ nên hiểu là “năng lượng”), đến mức mà cần phải dựa vào sự chiếu xạ của Thái Dương, mà là khi Cự Môn gây trở ngại cho các tinh diệu khác, (nếu) có Thái Dương thì sẽ giảm bớt đi tính âm ám do Cự Môn gây ra.

Cự Môn do vì có lực che mờ (暗蔽力), cho nên xấu nhất chính là trên phương diện quan hệ giữa người với người (所以最坏的是人际关系), “Tử Vi đẩu số toàn thư” cho rằng: tính phản diện của Cự Môn là ở chỗ bội-phi (Hà Phong: 背 – bội phản; 非 – sai trái), ít hợp với lục thân; giao kết với người thì ban đầu thiện mà cuối cùng là ác. Cự Môn còn được gọi là số-cô-độc, thần-khắc-trở (又称之为孤独之数, 克剥之神). Tức là trên phương diện quan hệ với người mà nói.

Cự Môn hóa Lộc, hóa Quyền, hóa Kị nhưng không hóa Khoa. Điều này là có thâm ý của nó.

Cự Môn hóa Kị, lực chướng ngại che mờ (các sao khác) được phát huy mạnh nhất, cho nên Cự Môn hóa Kị chủ thị phi khẩu thiệt, hoặc là trên phương diện tình cảm có nỗi ẩn chứa khó nói, hoặc là có kiện tụng ra cửa quan.

Cự Môn hóa Lộc, tất miệng lưỡi có thể sinh tài. Đem nghĩa này phát triển rộng thêm, thì thể hiện thành sự phù hợp trong lĩnh vực truyền thông của thế giới hiện đại. Nhưng trên một phương diện khác thì cũng là biểu hiện của miệng nói lời ngọt ngào xảo trá (口甜舌滑), mà nội tâm thiếu đi cảm tình chân thực, nếu mà là Thiên Cơ Cự Môn mà Cự Môn hóa Kị thì càng rõ rệt.

Cự Môn hóa Quyền, cổ nhân cho rằng là điềm nhìn thì như là hung nhưng thực tế lại là cát (古人称为凶为吉兆), nghĩa là sự việc phát sinh thì nhìn giống như là điều hung, nhưng thực ra lại là điều cát. Điều này là do lúc này lực gây chướng ngại của Cự Môn phát huy tác dụng (tốt), nhờ có chướng ngại mà rồi cuối cùng đạt được thành công.

Cự Môn giỏi về gây chướng ngại, nên thường có biểu hiện “thao thao bất tuyệt”, dựa vào khẩu tài trong việc giao thiệp mà chiếm được lợi thế. Cũng là vì giỏi biểu hiện ra được năng lực bản thân mà không cần phải Hóa Khoa. (Hà Phong: có thể coi như Cự Môn giỏi ăn nói, giỏi thể hiện bằng lời nói, mà rồi năng lực của họ sẽ được đánh giá cao).

Lực gây chướng ngại che mờ của Cự Môn, tùy xem nó hội hợp với sao nào, mà các rắc rối phát sinh sẽ khác nhau, ví dụ như:

Thiên Cơ Cự Môn, Thiên Cơ chủ về quyền biến, khi đồng độ với Cự Môn, thì có khả năng càng thi triển quyền biến thì càng sinh ra khốn nhiễu (vây khốn và quấy nhiễu).

Thiên Đồng Cự Môn, Thiên Đồng chủ về cảm tình, khi đồng độ với Cự Môn, thì trên phương diện tâm tình có sự âm-ám, thường xuyên là biểu trưng của sự đau khổ trong lòng (往往表征为苦衷).

Thái Dương Cự Môn, Thái Dương chủ phát tán, trong đời người sẽ có sự biểu hiện (biểu hiện ở đây nghĩa là có thành công): Thái Dương tại cung Dần thì tốt; Thái Dương tại Thân cung thì là mặt trời đang lúc lặn về phía Tây (日落西山), và đồng độ với Cự Môn thì như ánh sáng lúc mặt trời lúc đang lặn, thường xuyên là biểu trưng của nghị lực không đủ, quyết tâm không đủ.

Nếu Cự Môn độc tọa, tất tự sinh lực trở ngại (tự gây trở ngại cho chính mình), thường xuyên là biểu hiện của nhiều sự nghi ngờ/nghi ngại, lắm thị phi, học nhiều mà ít tinh thông, tiến thoái lưỡng nan. Liên quan đến những đặc tính này thì “Tử Vi đẩu số toàn thư” bàn tới rất nhiều.

Cự Môn độc tọa tại Tý Ngọ gọi là “Thạch trung ẩn ngọc”, cũng nên ẩn chứ không nên hiển lộ, dựa vào điều này thì có thể hiểu được đặc tính che mờ của Cự Môn.

Sự che mờ (暗蔽) của Cự Môn, người ta thường chỉ nói về mặt không tốt đẹp, nhưng bất kì sao nào trong môn Tử Vi đẩu số, đều có cả hai mặt cát hung, cho nên lúc mặt tốt đẹp biểu hiện thì thường là trung liệt. Không thiếu trung thần nghĩa sĩ (忠臣烈士) có Mệnh là Cự Môn độc tọa.

Ví dụ như Mệnh Cự Môn tại Thìn, người sinh năm Đinh, thì Cự Môn hóa Kị, hội hợp với Thái Dương tại cung Tý không có quang huy để giải trừ tính ám của Cự Môn, nhưng trong tam phương tứ chính có Thiên Đồng hóa Quyền ở đối cung, cung Thân (cung Quan Lộc của Mệnh Cự Môn Thìn là ở cung Thân) vô chính diệu mượn Thái Âm Thiên Cơ để an sao, mà Thái Âm hóa Lộc, Thiên Cơ hóa Khoa Lúc này tứ Hóa là Lộc Quyền Khoa Kị đều gặp đủ cả. Kết cấu mệnh như này, thì là người tuy lắm chuyện thị phi nhưng vì không chịu bị dòng đời xô đẩy mà thành đại nghiệp (表现为其人是非虽大, 然而却因不肯随波逐流而成大业).

Lại hoặc như Cự Môn tại Thìn hóa Lộc (Hà Phong: là chỉ người sinh năm Tân), hội Thái Dương tại Tý hóa Quyền, nếu như đối cung có Văn Xương hóa Kị chiếu, mà lúc này cung Thìn (đương nhiên) có Văn Khúc hóa Khoa (Hà Phong: khi Văn Xương tại Tuất thì Văn Khúc đương nhiên tại Thìn), cũng là cách cục lớn, chủ cho việc đột nhiên được người khác đề bạt rồi lại biểu hiện được khả năng, cuối cùng có được phú quí. Chỉ là thiếu đi tính cương nghị (Hà Phong: thiếu cương nghị so với Mệnh Cự Môn tại Thìn với người sinh năm Đinh).

“Tử Vi đẩu số toàn thư” các cổ quyết liên quan đến Cự Môn thì quá nửa là có can hệ tới Thái Dương, như Cự Nhật tại Dần mà Mệnh tại cung Thân, thì trước nổi danh mà sau có thực lộc; và Cự Nhật tại Thân mà Mệnh tại Dần, cũng trước có danh tiếng rồi sau có thực lộc.

Điều này có nghĩa là, Mệnh tại cung Thân (cung địa chi) vô chính diệu, mượn Cự Nhật từ đối cung (cung Dần) để an sao; hoặc Mệnh tại Dần vô chính diệu, mượn Cự Nhật từ đối cung (cung Thân) để an sao. Đều chủ về đầu tiên có danh rồi sau có lợi, hoặc cũng có thể nói là, kết cấu này lợi có được là nhiều ít thế nào, thì phải căn cứ vào mức độ lớn nhỏ của danh tiếng mà định đoạt.

Mượn Cự Nhật (tại Thân) mà Mệnh tại Dần thì có danh xong rồi có lợi; và mượn Cự Nhật (tại Dần) mà Mệnh tại Thân thì lại càng tốt hơn (亦妙). Là vì Cự Nhật tại Dần/Thân, đều là trước tiên có lợi rồi sau mới có danh, vừa hay tương phản với việc Mệnh vô chính diệu mượn Cự Nhật để an sao. Chỉ là tại Thân thì Thái Dương thất địa, không như tại Dần là Thái Dương đắc địa.

Nhưng các lời trên đều là chỉ Cự Nhật hội cát mà không có sát kị.

Liên quan đến quan hệ giữa Cự Môn và Thái Dương, lại còn có 2 câu cổ quyết: Cự Môn tại cung Hợi, Mệnh Thái Dương tại Tị, trước có lợi rồi sau có danh; Cự Môn tại cung Tị, Mệnh Thái Dương tại Hợi, ngược lại là không đẹp.

Nghĩa là nói, Mệnh Thái Dương tại Tị, đối cung (Hợi) là Cự Môn, chủ trước tiên có lợi rồi sau có danh. Nhưng nếu như trái lại, nghĩa là Mệnh Thái Dương tại Hợi, đối cung (Tị) là Cự Môn, thì không chủ trước có lợi sau có danh. Nguyên nhân là do Thái Dương tại cung Hợi lạc hãm, Thái Dương tại cung Tị thì miếu vượng; khi Thái Dương lạc hãm thì (sẽ) bị Cự Môn che mờ.

Ngoài ra, cách cục “Thạch trung ẩn ngọc” có quan hệ tới Cự Môn: Cự Môn tại Tý/Ngọ, Lộc Quyền Khoa hội hợp, là hợp cách, chủ cho người không lấy (hoặc không có) vị trí cao nhất nhưng lại có thể đạt được phú quí. Trong hai cung này, thì Cự Môn tại Tý tốt đẹp hơn, bởi vì có được Thái Dương miếu vượng tại Thìn tới hội hợp; còn Cự Môn tại Ngọ, thì lúc này Thái Dương lạc hãm tại Tuất, cho nên cách cục kém hơi (một chút).

Cách “Thạch trung ẩn ngọc”, thì Lộc Tồn đồng cung với Cự Môn thì không bằng Cự Môn hóa Lộc, điều này cũng không thể không biết.

Cự Môn và Thiên Cơ đồng cung tại Mão Dậu, thì tại Dậu tốt hơn. Là bởi vì Cơ Cự chủ bấp bênh không ổn định, một đời sẽ không chỉ làm một nghề (主人不安一业), có hứng thú trên quá nhiều phương diện (兴趣过分广泛), nghị lực không đủ, cho nên cách cục này cao thấp thế nào, cần xem cả cung Phúc Đức.

Mệnh Cơ Cự, cung Phúc Đức sẽ tại Tị Hợi có Thiên Lương độc thủ; Mệnh tại Mão, thì Thiên Lương tại Tị chủ cho có tính nguyên tắc cao; Mệnh tại Dậu, thì Thiên Lương tại Hợi có tính chất dao động lưỡng lự (游移 – du di), Thiên Lương thì có phong độ của danh sĩ. Cho nên Thiên Lương tại Tị mới có khả năng bổ cứu khuyết điểm của Cơ Cự tại Mão; còn Thiên Lương tại Hợi thì không thể.

Kì thực Mệnh Cơ Cự, thì lấy đắc lộc làm chủ. Cự Môn hóa Lộc, Thiên Cơ hóa Lộc hoặc hội Thiên Đồng hóa Lộc, Thái Âm hóa Lộc đều tốt. Chỉ không nên là Thái Dương hóa Lộc, bởi vì Mệnh Cơ Cự tại Mão, nếu mà Thái Dương hóa Lộc (Hà Phong: tuổi Canh thì Thái Dương hóa Lộc), tất nhiên sẽ đồng thời bị Dương Đà xung và hội (Hà Phong: tuổi Canh thì Lộc Tồn tại Thân, Kình Dương tại Dậu, Đà La tại Mùi), cho nên là phá cách. (Hà Phong: chú ý là Mệnh Cơ Cự tại Mão, mà Thái Dương hóa Lộc với người sinh năm Canh thì cả Nhật Nguyệt tại Sửu và Cơ Cự tại Mão đều bị Kình Đà xung và hội).

Cơ Cự ngại nhất là đồng triền với Hỏa Linh, cổ quyết có câu: Cự Hỏa Linh gặp ác hạn, chết ở ngoài đường (巨火铃星逢恶限, 死于外道). Cho nên tuy kiến Lộc cũng là phá cách.

Trusted by some of the biggest brands

spaces-logo-white
next-logo-white
hemisferio-logo-white
digitalbox-logo-white
cglobal-logo-white
abstract-logo-white
white-logo-glyph

We’re Waiting To Help You

Get in touch with us today and let’s start transforming your business from the ground up.