Một nhà tiên tri người Anh sống ở thế kỷ XV rất được nhà vua trọng dụng, nhưng ông lại nhiều lần tiên đoán rằng mình sẽ chết đói trong cung điện. Nhà tiên tri đó tên là Robert Nixon. Ông đã tiên đoán chính xác một cách thần kỳ về sự thay đổi của quốc vương nước Anh, cũng như kết cục của chính bản thân ông và nhiều sự kiện khác.

Năm 1467, năm thứ bảy dưới thời trị vì của Vua Edward IV tại Anh, Nixon được sinh ra trong một gia đình nông dân ở bìa rừng Dreymeier thuộc vùng nông thôn Manchester. Từ nhỏ đến lớn, Nixon đều tỏ ra rất vụng về. Dù cha mẹ có dạy ông làm ruộng và chăn nuôi gia súc như thế nào, Nixon vẫn phải thật vất vả mới có thể làm được. Thêm vào đó, ông còn hay nói một số lời quái lạ nên mọi người xung quanh đều cho rằng Nixon không bình thường.

Cha mẹ Nixon qua đời khi ông còn rất nhỏ, sau đó ông sống cùng với một người anh trai. Trong khoảng thời gian này, Nixon rất ít nói, nhưng chỉ cần ông mở miệng, giọng nói của ông đều vô cùng sắc bén khiến cho những người nghe vào cảm thấy khó chịu. Một ngày nọ, vì bị các tu sĩ tại tu viện gần nhà trêu chọc làm cho tức giận nên Nixon đã nói: “Thời khắc các người nhìn thấy mũi tên ở trên cao, hang ổ của quạ sẽ sớm xuất hiện”.

Đó là một lời tiên tri mà người ta vào thời điểm đó không cách nào hiểu được. Mãi sau này, khi việc đã xảy ra, người ta mới bất chợt tỉnh ngộ. Harry – viện trưởng cuối cùng của tu viện – đã bị xử tử dưới sự chứng kiến của Sir Holcroft vì không thừa nhận địa vị tối cao của vua Henry VIII (trị vì đất nước từ năm 1509 đến năm 1547). Sau đó, Henry VIII đã biến tu viện trở thành lãnh địa ban tặng cho tước sĩ và con cháu đời sau, mà biểu tượng trên huy hiệu của gia tộc họ chính là hình một con quạ.

Một ngày nọ vào năm 1485, Nixon đang chăn thả gia súc thì đột ngột dừng lại, chĩa roi chỉ từ bên này sang bên kia một cách khó hiểu và nói: “Bây giờ, Richard! Bây giờ, Henry!” Cứ như thế qua lại vài lần, cuối cùng ông bảo: “Hiện giờ Henry đã vượt qua ngòi nước kia rồi, Henry giành được thắng lợi!” Những người xung quanh nghe thấy thế đều cảm thấy vô cùng ngạc nhiên.

Những gì Nixon chứng kiến ​​là trận quyết chiến diễn ra tại vùng Bosworth giữa Vua Richard III của Anh và Henry VII – người sau này lên ngôi trị vì vương quốc Anh. Richard III trở thành vị vua cuối cùng của vương triều Plantagenet và là vị vua cuối cùng của nước Anh chết trong chiến trận.

Đúng như dự đoán, không lâu sau tin tức đã được truyền đến, tiên đoán của Nixon được chứng thực: Henry VII đánh bại vua Richard III, lên ngôi quốc vương và thành lập vương triều Tudor.

Chẳng bao lâu, câu chuyện thần kỳ của Nixon đã truyền đến tai vua Henry VII. Nhà vua nửa tin nửa ngờ, vì không muốn bị lừa dối nên vua đã phái người đi mời Nixon đến cung điện để gặp mặt. Tuy nhiên, từ trước khi sứ giả lên đường, Nixon đã đoán được tất cả. Ông tỏ ra cực kỳ lo lắng, bất an, chạy qua chạy lại không ngừng. Ông liên tục nói rằng nhà vua sẽ triệu ông vào cung điện, rằng nhà vua đã gửi người tới đón ông rồi nên ông nhất định phải đi. Nơi đó có thức ăn ngon nhưng ông lại dự đoán được rằng bản thân sẽ chết đói ở đó.

Những người xung quanh nghe thấy Nixon nói toàn những điều lung tung, hỗn loạn thì cảm thấy thật buồn cười, nhạo báng ông là kẻ mơ tưởng hão huyền. Thế nhưng ngay sau đó, khi sứ giả của nhà vua đến và mời ông vào cung điện, mọi người mới nhận ra rằng những gì Nixon nói đều là sự thật. Điều thú vị là suốt quãng đường theo sứ giả trở về lâu đài, Nixon vẫn than thở rằng ông rồi sẽ có ngày chết đói trong cung điện.

Tới nơi, Nixon được đưa đến trước mặt vua Henry. Để kiểm tra khả năng của ông, nhà vua nói dối rằng một viên kim cương có giá trị của mình đã bị mất và nhờ Nixon tìm giúp. Nixon trả lời: “Muốn gỡ chuông cần có người buộc chuông”, nghĩa là ông biết rằng nhà vua đã giấu viên kim cương đi.

Henry nghe xong cảm thấy giật mình kinh sợ, từ đó liền tin vào tài tiên tri của Nixon và ra lệnh cho người ghi lại tất cả những gì Nixon nói. Nixon được cho là đã tiên đoán chuẩn xác về cuộc nội chiến nước Anh, sự qua đời hoặc thoái vị của một số vị vua và cuộc chiến tranh Anh-Pháp, v.v…

Lại nói, Henry căn bản không hề tin lời tiên đoán của Nixon rằng ông sẽ chết đói trong cung điện. Để loại bỏ nỗi sợ hãi trong lòng ông, nhà vua đã cho phép Nixon có thể tự do đi lại khắp toàn bộ cung điện. Nhà bếp của hoàng gia luôn mở cửa chào đón ông bất cứ lúc nào và ông có thể ăn tất cả những gì ông muốn. Ngoài ra, Henry còn phái một người hầu cận tới, chuyên phụ trách việc chăm sóc cho Nixon, tránh để ông bị những người khác khinh thường, chèn ép.

Một ngày nọ, khi vua Henry chuẩn bị rời London để đi săn, Nixon đã chạy đến gặp nhà vua rồi khóc lóc khẩn cầu nhà vua đừng rời đi. Nixon nói rằng nếu đức vua rời đi thì sẽ không bao giờ có thể gặp lại ông nữa, bởi Nixon sẽ sớm bị chết đói.

Nhà vua nghe thế không cho là đúng và nghĩ rằng điều này sẽ chẳng bao giờ có thể xảy ra. Vì vậy, sau khi dặn dò người hầu phải chăm sóc tốt cho Nixon xong, vua Henry liền khởi hành lên đường.

Quốc vương vừa rời khỏi, những người hầu sớm đã bất mãn với những đặc quyền Nixon nhận được trong cung liền bắt đầu cười nhạo ông, và bắt đầu bắt nạt ông. Nixon đem chuyện này than phiền với người hầu cận của mình. Vì để bảo vệ ông khỏi bị người khác ức hiếp, người hầu cận đã nhốt ông vào trong mật thất của nhà vua, rồi mỗi ngày đem cho ông bốn bữa ăn.

Vài ngày sau, nhà vua cử sứ giả đến bảo người hầu cận nọ rằng có việc phải đến Winchester ngay lập tức. Người hầu cận bèn tức tốc lên lưng ngựa rời đi. Tuy nhiên, trước khi đi, anh ta đã quên dặn dò những người khác chăm sóc Nixon.

Ba ngày sau, khi người hầu cận quay lại, anh ta mới chợt nhớ đến Nixon vẫn còn đang bị nhốt trong mật thất của nhà vua. Đi vào vừa nhìn thì thấy Nixon đã bị chết đói, đúng như dự đoán của chính ông trước đây. 

Trong lịch sử Trung Quốc cũng có hai nhân vật rất giàu có và quyền quý từng được một nhà tiên tri dự đoán chính xác rằng họ cuối đời sẽ chết vì đói.

Câu chuyện diễn ra vào thời nhà Hán, khi ấy tại Trung Quốc có một nữ tướng sư (nữ tướng sư chỉ người nữ làm nghề dự đoán vận mệnh thông qua việc xem tướng số thời xưa) danh tiếng lừng lẫy, tài tựa thần tiên tên gọi là Hứa Phụ. Hứa Phụ là con gái của Hứa Vọng – quan huyện Ôn Thành quận Hà nội. Khi bà ra đời, trên tay bà nắm một khối ngọc thạch, trên ngọc ẩn hiện có thể nhìn thấy trận đồ bát quái. Bấy giờ, Tần Thủy Hoàng vừa thống nhất thiên hạ, ông ra lệnh cho quan lại khắp nơi tìm kiếm những việc tốt lành kỳ lạ xảy ra trong dân gian rồi bẩm báo về triều đình. Nghe tin về sự ra đời khác thường của Hứa Phụ, Tần Thủy Hoàng vô cùng vui mừng, lập tức ban thưởng cho nhà bà hai nghìn lạng vàng. Để tỏ lòng biết ơn đối với Tần Thủy Hoàng, Hứa Vọng đã đặt tên cho con gái mình là ‘Mạc Phụ’, có nghĩa là: không phụ ơn lớn của Hoàng đế. Sau khi Tần Thủy Hoàng lâm bệnh qua đời, Mạc Phụ mới được đổi tên thành Hứa Phụ.

Hứa Phụ có tài năng đặc biệt: một trăm ngày sau khi sinh ra đã có thể nói chuyện, có thể đoán được vận mệnh của người khác từ khi còn nằm trong tã lót. Đoán như thế nào? Theo ghi chép, những người trong vùng nghe nói về sự thần kỳ của Hứa Phụ đều cảm thấy rất mới lạ nên rủ nhau tìm tới xem thử. Chỉ cần Hứa Phụ chưa ngủ, trước mặt người khác đều chỉ thể hiện ra hai biểu cảm duy nhất: hoặc là khóc, hoặc là cười. Ban đầu, mọi người đều không cảm thấy có gì kỳ lạ, nhưng dần dần họ phát hiện ra rằng: những người bị Hứa Phụ khóc sẽ gặp phải vận xấu hoặc những chuyện không thuận lợi, còn những ai được Hứa Phụ cười sẽ có được vận mệnh tốt đẹp, may mắn. Vì thế, từ đó về sau, hễ người ta nhìn thấy Hứa Phụ là đều trốn tránh từ xa, chỉ sợ gặp phải Hứa Phụ khóc sẽ khiến bản thân xui xẻo. Trong suốt cuộc đời của mình, Hứa Phụ từng có hai lần dự đoán chính xác về kết cục chết vì đói khát của hai nhân vật giàu sang, quyền quý.

Người thứ nhất là Chu Á Phu. Khi Chu Á Phu (hay Châu Á Phu) còn đang làm quan trông coi quận Hà Nội, Hứa Phụ từng giúp ông tính toán vận mệnh, dự đoán ra rằng: ba năm sau Chu Á Phu sẽ được phong Hầu, phong Hầu tám năm thì xuất chinh trở thành thừa tướng, lại qua chín năm nữa ông sẽ bị chết đói. Chu Á Phu nghe xong không cho là đúng, bởi lẽ tước vị của cha ông là do anh trai ông kế thừa, vả lại đâu thể có chuyện bị chết đói sau khi đã trở thành thừa tướng. Thế nhưng, ba năm trôi qua, anh trai của Chu Á Phu vì phạm tội nên bị thu hồi tước vị, cuối cùng tước vị của cha hai người vẫn do Chu Á Phu thừa kế. Sau đó dẹp loạn thất quốc (loạn 7 nước chư hầu), ông xuất chinh thắng trận, được thăng chức làm thừa tướng. Đáng tiếc, đến những năm cuối đời, Chu Á Phu lại bị bắt giam vào ngục. Vì cảm thấy quá mức oan ức, nhục nhã, ông đã tuyệt thực để tỏ rõ ý chí của mình. Chẳng ngờ, Hán Cảnh Đế hoàn toàn không để ý tới ông. Cuối cùng, sau năm ngày năm đêm tuyệt thực, Chu Á Phu – vị tướng nổi danh một thời đã chết vì đói khát.

Người thứ hai được Hứa Phụ đoán mệnh cho là Đặng Thông. Đặng Thông là người ở quận Thục thuộc vùng Nam An, là một kẻ giỏi nịnh hót và rất được Hán Văn Đế sủng ái, tín nhiệm. Một ngày nọ, Hán Văn Đế ra lệnh cho Hứa Phụ đến xem tướng cho Đặng Thông. Hứa Phụ nói ông ta sẽ sống trong cảnh khốn cùng rồi chết vì đói. Hán Văn Đế nghe vậy, cười bảo: “Đặng Thông giàu hay không là do ta quyết định. Ngươi sao có thể nói rằng hắn sẽ nghèo khổ?” Đoạn, Hán Văn Đế bèn ban thưởng cho Đặng Thông toàn bộ vùng núi Đồng Sơn bao quanh quê nhà của ông ta, thậm chí còn cho phép ông ta tự mình đúc tiền. Nhờ đó, nhà Đặng Thông liền trở thành gia đình giàu có bậc nhất thiên hạ, không ai sánh kịp. Thế nhưng, cuộc sống tốt đẹp chẳng kéo dài được bao lâu. Sau khi Hán Văn Đế qua đời, Hán Cảnh Đế kế vị. Vừa lên ngôi, Hán Cảnh Đế liền hạ lệnh cách chức, tịch thu toàn bộ tài sản của Đặng Thông. Chỉ trong nháy mắt, Đặng Thông từ một người giàu có bậc nhất thiên hạ trở thành kẻ ăn mày, cuối cùng quả thực phải chết đói nơi đầu đường xó chợ.

Kết cục của những nhân vật được nói đến ở trên quả thực khiến người ta khó lòng tưởng tượng nổi, dường như đằng sau mọi việc đều có những nhân tố vô hình đang lặng lẽ sắp đặt tất cả. Vậy phải chăng phía sau bất cứ một sự vật, sự việc nào đều có những nhân tố không thể chống lại đang âm thầm khống chế?

* 13 phát pháo vô hiệu

Dưới đây là một câu chuyện có thật xảy ra trong thời kỳ Nhật Bản tiến hành chiến tranh xâm lược Trung Quốc.

Sáng ngày 1 tháng 6 năm 1938 (ngày mùng 4 tháng 5 theo hoàng lịch), một đội quân xâm lược Nhật Bản từ Bạc Châu (An Huy) tấn công về phía huyện Lộc Ấp, tỉnh Hà Nam. Tại một ngôi làng cách huyện Lộc Ấp khoảng ba dặm, quân đội Nhật quan sát thấy ở góc đông nam và góc đông bắc của huyện, mỗi góc đều có một tòa kiến trúc tương đối cao. Nghĩ rằng đó là công trình phòng thủ quân sự của Trung Quốc, quân Nhật quyết định trước hết bắn phá hai cứ điểm này. Đầu tiên, pháo thủ Taro Umekawa bắn hủy tòa kiến trúc ở góc đông nam (Khôi Tinh Lâu). Kế tiếp, quân đội Nhật chuyển sang bắn phá tòa kiến trúc ở góc đông bắc. Thế nhưng, sau nhiều lần khai hỏa, họ vẫn không thấy có dấu hiệu pháo phát nổ. Cảm thấy kỳ lạ, pháo thủ người Nhật quyết định nã đại bác vào trong thành để kiểm chứng. Kết quả là pháo vẫn phát nổ bình thường. Vậy nên, quân đội Nhật lại lần nữa dời tầm ngắm của pháo về phía tòa kiến trúc ở góc đông bắc. Lạ thay, pháo phóng về phía đó vẫn không hề phát ra bất cứ động tĩnh gì. Họ liên tiếp phóng đi 12 đầu pháo cũng vẫn không có tiếng nổ.  Tiểu đội trưởng Nhật vừa vội vừa giận, bèn đích thân ra tay. Một quả pháo nữa lại bay ra hướng về phía toà lầu, nhưng nó cũng giống như những quả pháo trước, không hề phát nổ. Tổng cộng 13 viên đạn đại bác do quân đội Nhật bắn đi đều không có bất cứ phản ứng gì. Điều này quả thực quá mức kỳ lạ!

Khi quân đội Nhật tiến vào huyện Lộc Ấp, họ mang theo đầy bụng nghi ngờ đi tới bên dưới tòa lầu ở góc đông bắc. Sau khi leo lên mới phát hiện, nơi đây hóa ra lại là nơi thờ phụng của Lão Tử – ông tổ của Đạo gia, thần tiên của Trung Quốc. Lính Nhật thấy vậy, không khỏi kinh hoàng bật thốt: “Đây là tổ tiên của Trung Quốc hiển linh rồi!” Sau đó, toàn bộ quân lính vội vàng quỳ xuống, khấu đầu tạ tội trước tượng Lão Tử.

Theo truyền thuyết, huyện Lộc Ấp được cho là quê hương của Lão Tử. Tòa kiến trúc ở góc đông bắc trong thành được gọi là ‘Thăng Tiên Đài’. Tương truyền, đây là nơi Lão Tử tu Đạo sau đó phi thăng thành tiên. Dưới thời Tống, Hoàng đế truy phong Lão Tử là “Thái Thượng Lão Quân hỗn nguyên thượng đức hoàng đế”, vậy nên nơi này còn có tên gọi khác là ‘Lão Quân Đài’. Lão Quân Đài cao 13 mét, đáy có diện tích 765 mét vuông. Từ mặt đất lên đến chính điện có tổng cộng 33 bậc thang, trong chính điện cung phụng một pho tượng bằng đồng của Lão Tử. Trong sân còn có các thần vật khác như: bia khắc, trụ sắt, v.v…

Đạn của quân Nhật đã bắn trúng bức tường phía đông của sảnh chính và bức tường phía sau của sảnh đông. Một đầu đạn găm vào trên cây bách thụ ở phía đông điện thờ, hai phát xuyên qua bức tường của đại điện: một phát bị kẹt trên xà nhà, một đầu đạn găm vào trên khám thần trước tượng Lão Quân. Vào khoảng năm 2003, khi các công nhân xây dựng sửa chữa vết sập ở góc tây nam của Lão Quân Đài, họ đã đào được một quả đạn pháo bị rỉ sét của quân đội Nhật. Đến lúc này, 13 đầu đạn pháo quân đội Nhật đã phóng đi trong cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc mới được tìm thấy toàn bộ.  Phía sau điện lớn còn có hai gian điện thờ nhỏ. Khi đó, một gian điện nhỏ được quân phòng thủ chất đầy thuốc súng. Nếu như lúc ấy những đầu đạn do quân đội Nhật bắn ra  phát nổ, nó chắc chắn sẽ gây nên sức công phá vô cùng to lớn.

Lời tiên tri chuẩn xác về những điều không thể ngờ tới hay 13 phát pháo ‘vô hiệu’ của quân đội Nhật Bản chỉ là một phần nhỏ trong vô số những câu chuyện kỳ bí mà khoa học thực chứng hiện nay vẫn chưa cách nào lý giải được. Mọi thứ xảy ra đều không phải là ngẫu nhiên. Chúng khiến ta tự hỏi: Liệu rằng có phải thực sự tồn tại những sinh mệnh cao cấp đang không chế tất cả mọi thứ trong xã hội con người?

Trường Lạc biên dịch.

Nguồn: Sưu Tập

Trusted by some of the biggest brands

spaces-logo-white
next-logo-white
hemisferio-logo-white
digitalbox-logo-white
cglobal-logo-white
abstract-logo-white
white-logo-glyph

We’re Waiting To Help You

Get in touch with us today and let’s start transforming your business from the ground up.